Bất động sản 2024: Tạo “nền móng” cho chu kỳ mới?
Mặc dù theo nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2024 thị trường bất động sản chưa thể trở lại ngay được, tuy nhiên đây sẽ là năm tạo “nền móng” cho một chu kỳ phát triển mới.
Mặc dù hiện tại thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay được khi những khó khăn vẫn đang tồn tại kìm hãm sự phát triển của thị trường, nhưng nhìn chung thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần ổn định trở lại.
Một trong những khó khăn vẫn đang “đeo bám” thị trường bất động sản suốt hơn một năm qua đó là vấn đề về nguồn cung. Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường & Tư vấn xúc tiến đầu tư (VARS) cho biết: Trong năm 2023, nguồn cung nhà ở thương mại vẫn còn rất khan hiếm. Tổng nguồn cung nhà ở năm 2023 đạt khoảng 55.329 sản phẩm, tăng 14% so với tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2022, nhưng vẫn chỉ bằng 32% so với năm 2018 - năm chưa xảy ra đại dịch (180.000 sản phẩm).
Thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở thương mại giá bình dân. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% vào năm 2023. Nguồn cung các căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 chỉ có từ các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà thương mại tại các tỉnh thành cấp II, cấp III. Đặc biệt, phân khúc trung cấp cũng bắt đầu khan hiếm tại 2 đô thị đặc biệt.
Tuy nhiên, càng về cuối năm, nguồn cung càng được đẩy mạnh về chất và lượng. Riêng trong quý 4, các sự kiện mở bán, kick-off quy mô lớn liên tục được triển khai. Một số dự án mới được đẩy mạnh truyền thông với nhiều hoạt động khuấy động thị trường, đặc biệt là các dự án thuộc Vinhomes, Khang Điền...
Cũng theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), 2024 sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật”, thị trường sẽ dần đi vào “ổn định” và bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Theo đó, quý I và quý II/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023 và có khả năng phục hồi rõ nét từ cuối quý 3 trở đi. Thống kê cho thấy, khoảng 30%-40% nhân sự ngành môi giới bất động sản đang và sẽ quay trở lại thị trường. Các chương trình mở bán quy mô lớn cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn. Đây được xem là hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm sinh tồn rất cao của các chủ đầu tư trong nỗ lực vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng đạt được độ ngấm trong năm 2024 sẽ cho thấy rõ hơn các tác động tích cực đến thị trường.
“Tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng chắc chắn 2024 chính là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhìn nhận.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, tính đến cuối năm 2023, có tất cả 22 động thái từ phía Chính phủ, cơ quan ban ngành đã được ban hành. Trong đó, nổi bật nhất là nghị định 08/2023/NĐ-CP khi trở thành “chiếc phao cứu trợ” có tác dụng trực diện “ngăn ngừa” kịp thời một số “sự đổ vỡ” lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Chính phủ, các cơ quan ban ngành và hệ thống ngân hàng đã có một năm tương đối “bận rộn” với thị trường bất động sản. Ngay từ những ngày đầu tiên khi có dấu hiệu “đuối sức rõ rệt”, thị trường đã nhận được hàng loạt sự trợ lực từ các chủ thể này. Không thể phủ nhận những tác động tích cực mà các động thái này mang lại. Một phần giúp ổn định dần tinh thần của các chủ thể đang tham gia thị trường. Một phần giúp vực dậy niềm tin vốn đang chao đảo của khách hàng/nhà đầu tư”, ông Hải nói.
Thị trường sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối quý III/2024?
Mặc dù thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng tại diễn đàn, đa số các chuyên gia đều nhìn nhận rằng đang có nhiều yếu tố tác động tích cực đến thị trường này trong năm 2024.
Ở chia sẻ mới đây, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế dự báo, quý I và quý II/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Nhưng phải từ cuối quý III trở đi sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt. Các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng đạt được độ ngấm sẽ cho thấy rõ hơn các tác động tích cực đến thị trường. Phân khúc bất động sản nhà ở, đặc biệt là NƠXH và nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giai đoạn giữa năm 2024.
Để thị trường thực sự sớm có những bước “đột phá” nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tháo gỡ thể chế, kích thích phát triển bất động sản phù hợp đồng thời cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan như du lịch, dịch vụ để đảm bảo thị trường bất động sản có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về “chất”. Cần thực hiện song song và hài hòa cả nhóm cơ chế, chính sách với mục tiêu mở nút thắt, tháo điểm nghẽn cho thị trường bất động sản với nhóm cơ chế, chính sách đóng vai trò nền móng, dần căn chỉnh thị trường phát triển theo hướng an toàn và lành mạnh, tạo dựng và củng cố được niềm tin cho các chủ thể, đặc biệt là khách hàng và nhà đầu tư vào thị trường. Bên cạnh đó, triển khai điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng, duy trì và phát triển các chính sách tài khóa hiệu quả, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn và lành mạnh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các chủ đầu tư/doanh nghiệp phát triển dự án, các Sàn giao dịch bất động sản, Môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư phải chủ động nâng cấp chất lượng, giảm tải số lượng để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thị trường, hoạt động theo hướng “chậm nhưng chắc”, xác định rõ tinh thần, 2024 vẫn là một năm đầy thách thức cần vượt qua...