Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn nằm trong tầm ngắm đầu tư
Chịu cú sốc từ dịch Covid-19 nhưng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang khởi động đường đua tại các thị trường mới với các sản phẩm tiềm năng, cùng sự hỗ trợ về pháp lý và chính sách.
Chịu cú sốc từ dịch Covid-19 nhưng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang khởi động đường đua tại các thị trường mới với các sản phẩm tiềm năng, cùng sự hỗ trợ về pháp lý và chính sách.
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng giữ vững vị thế quan trọng
Tại Giao lưu trực tuyến với chủ đề: Thị trường bất động sản năm 2021: Dự báo xu hướng và Cơ hội đầu tư do Reatimes tổ chức sáng 18/11, đa số các chuyên gia đều có chung quan điểm nhận định về triển vọng của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Cụ thể, nếu dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Việt Nam sớm phục hồi, tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.
Để khởi động đường đua mới, các chủ đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển về các khu vực mới. Thay vì những thị trường nghỉ dưỡng quen thuộc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... các địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Nguyên, Yên Bái, Hòa Bình… sẽ được doanh nghiệp đưa lên bàn cân với các sản phẩm mới. Có thể thấy, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang đứng trước nhiều cơ hội, hứa hẹn sự bùng nổ và lấy lại đà tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, lại chịu sự phụ thuộc lớn vào nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân và du khách. Chính vì thế, khi dịch bệnh bùng phát, ngành du lịch gặp khó khăn, bất động sản nghỉ dưỡng cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Tuy nhiên, trong nguy có cơ. Các doanh nghiệp lúc này có cơ hội để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, chuẩn bị tốt hơn cho việc đầu tư các dự án mới, đa dạng hơn, chất lượng hơn để phục vụ tốt hơn khi dịch bệnh qua đi. Như việc phát triển các dự án gắn liền với kinh tế ban đêm.
Các doanh nghiệp đã hướng đến đối tượng kinh doanh đa dạng hơn, tập trung vào khách nội địa… Đây là cơ hội để đa dạng hóa đối tượng phục vụ, đặc biệt là dòng khách hạng sang khi mức thu nhập của người dân và nhu cầu nghỉ dưỡng đang ngày càng tăng cao.
Sự trầm lắng của thị trường trong thời gian qua cũng đã dần loại bỏ những nhà đầu tư chộp giật, ngắn hạn, đầu tư lướt sóng. Hướng đến sự đầu tư dài hạn, bền vững. Các chủ đầu tư muốn bán được hàng đòi hỏi phải có những dự án đồng bộ, đa dạng, đầy đủ tiện ích.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng đưa quan điểm: “Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng là nguyên nhân khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng thời gian qua. Tuy nhiên, về lâu dài, đây vẫn là phân khúc tiềm năng, vì 3 lý do: Một là, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn. Hai là, ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 - 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm. Ba là, trong và sau dịch bệnh, xu hướng second-home ngày càng trở nên phổ biến hơn. Như vậy, đầu tư kênh này đòi hỏi trường vốn và mức độ kiên trì”.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: “Bất động sản du lịch là phân khúc phát triển mạnh trong thời gian vừa qua. Doanh thu của ngành du lịch tăng cao với khoảng 720 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, ngoài việc đón khách ngoài nước thì việc đón khách nội địa cũng tăng cao khoảng 80 triệu lượt khách/năm. Du lịch đã được Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, nhu cầu về nghỉ dưỡng, khám phá của người dân ngày càng cao”.
Theo đó, ông Hà cho rằng, đây là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư. Đáng chú ý, theo ông Hà, trong các phân khúc nghỉ dưỡng, condotel còn nhiều tiềm năng phát triển. Vì đây là một mô hình khá tốt, giúp huy động được vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để có thể xây dựng các khu đô thị nghỉ dưỡng lớn để thu hút khách. Nếu không có nguồn vốn này khó phát triển các đại đô thị All - in - one về du lịch nghỉ dưỡng. Chính phủ và các Bộ ngành đang hoàn thiện pháp lý cho mô hình condotel. Nhà đầu tư nhỏ lẻ khi có nguồn vốn không lớn thì đầu tư theo các nhà đầu tư lớn như mua vào condotel để cho thuê. Để từ đây có thể thu lời cho thuê và khi giá bất động sản tăng cao và giá trị condotel của mình sẽ tăng theo thời gian.
Nhiều xu hướng và cơ hội đầu tư mới
Khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn thế giới, du lịch ổn định lại sẽ thúc đẩy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phục hồi trong năm 2021. Giới chuyên gia dự báo, đây là thời điểm vàng mở ra những xu hướng và cơ hội đầu tư mới. Thị trường cũng đã và đang ghi nhận sự xuất hiện các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí quy mô lớn, đa dạng loại hình bất động sản và các tiện ích ẩm thực, vui chơi giải trí, spa và thậm chí là trường học, bệnh viện… để đảm bảo được mọi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cho nhiều nhóm du khách và cả cư dân địa phương. Đây cũng là mô hình mà nhiều doanh nghiệp bất động sản có tầm nhìn đang hướng đến.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đánh giá: “Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến đất nền nghỉ dưỡng xung quanh các đô thị du lịch. Dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, ngành hàng không và du lịch sẽ là mũi nhọn được kích cầu trên thế giới. Theo đó, phân khúc đất nền nghỉ dưỡng ven biển như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Ninh Thuận, Phan Thiết, Buôn Mê Thuột sẽ có nhiều cơ hội”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay: “Có thể thấy, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang có thêm nhiều dự án hàng ngàn hec ta, quy mô lớn, có đồng bộ hạ tầng, giải trí như của Vingroup, FLC, Sun Group. Cùng với đó, các mô hình nghỉ dưỡng sinh thái ven đô cũng rất phát triển, hoặc những tỉnh miền núi cũng rất phát triển mô hình nghỉ dưỡng mới”.
Ông Hà cho rằng, những địa phương phát triển mô hình du lịch lưu trú mới đang có hệ thống giao thông thuận tiện hơn, người dân có nhiều phương tiện đi lại, văn hoá địa phương đa dạng… Do đó mô hình như homestay có điều kiện phát triển rất tốt trong tương lai nếu chọn được vị trí, vùng đất phù hợp. Từ đó cũng đem lại cơ hội đầu tư lớn cho cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Chia sẻ về cách đầu tư sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA cho hay, bất động sản nghỉ dưỡng là loại hình đặc biệt cả về giá trị sử dụng cũng như giá trị tài chính, không giống như nhà ở thông thường. Theo ông Hoàng, bất động sản nghỉ dưỡng còn gọi là căn nhà thứ hai, chỉ dành cho những người có điều kiện dư dả về tài chính và có nhu cầu kết hợp nghỉ dưỡng ở một nơi ưa thích.
Ông Hoàng cho rằng yếu tố lợi nhuận từ việc vận hành cho thuê (thông qua đơn vị quản lý) không thể so sánh với việc lợi nhuận từ đầu tư mua bán lại thông thường. Hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng chưa có thị trường thứ cấp để có thể dễ dàng mua đi bán lại, nên rất khó xác định được giá trị cụ thể.
Bên cạnh đó, còn một vấn đề rất quan trọng khác, liên quan đến vấn đề pháp lý của người sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng (dù là biệt thự/nhà phố hay condotel), đó là thời hạn sở hữu dựa trên loại hình chức năng quyền sử dụng đất mà dự án đó được cấp phép.
Do đó ông Hoàng mách nước: “Khi mua bất động sản nghỉ dưỡng để phục vụ mục đích nghỉ dưỡng hay đầu tư, người mua cần chú ý đến các yếu tố như: Thế mạnh du lịch của địa phương, hạ tầng giao thông, điểm độc đáo và tiềm năng của dự án, uy tín và năng lực triển đơn vị quản lý vận hành,…”