Bất động sản du lịch Việt Nam cần có tầm nhìn “Địa Trung Hải”
Đó là lời khẳng định của TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam trong Hội thảo Khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Không nên hạn chế người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, TS. Lương Hoài Nam thắc mắc: Tại sao nhiều quốc gia có diện tích nhỏ nhưng thu hút được rất nhiều khách du lịch, trong khi Việt Nam có diện tích lớn song chỉ thu hút được khoảng 18 triệu khách du lịch mỗi năm.
Mấu chốt ở đây là do lĩnh vực du lịch Việt Nam đang đối mặt với cả “núi” vấn đề, nổi cộm nhất là chính sách pháp luật.
Dẫn chứng cho điều này, TS. Lương Hoài Nam cho biết: “Cách đây 2 năm, chúng tôi có tham gia vào việc góp ý sửa đổi chính sách đối với condotel. Tuy nhiên, Việt Nam không dùng từ tiếng Anh nên gọi nó là sản phẩm của dịch vụ lưu trú. Đến tháng 4/2019, chúng tôi có gửi văn bản lên Thủ tướng nhưng vấn đề về định danh cho sản phẩm này vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, cuộc sống vẫn đang diễn ra, hàng tỷ USD vẫn được đổ về thị trường condotel nhưng hành lang pháp lý lại không rõ ràng”.
Vì vậy, theo chuyên gia này, việc tranh luận quá lâu chỉ làm mất nhiều thời gian đồng nghĩa với việc mất đi các cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản du lịch. Từ đó, tạo ra nhiều rào cản khiến thị trường bất động sản du lịch ở Việt Nam ngày càng kém hấp dẫn.
Cụ thể, theo TS. Lương Hoài Nam, trong khi có hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự bất động sản nghỉ dưỡng trong nước đang “mòn mỏi” chờ khách, thì ngược lại, nhà đầu tư Việt Nam vẫn "âm thầm" mang tiền ra nước ngoài đầu tư bất động sản.
"Tại sao một năm người Việt Nam có thể chi ra hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng để mang ra nước ngoài mua bất động sản? Tại sao các quốc gia đều khuyến khích thu hút mua bất động sản của nước họ? Tại sao không có vướng mắc gì cả? Trong khi người nước ngoài lại mua bất động sản ở Việt Nam lại khó như vậy? Tại sao họ vào Việt Nam xây biệt thự, đem dòng khách vào Việt Nam mà chúng ta không khuyến khích?”, ông Nam liên tục đặt câu hỏi.
TS. Lương Hoài Nam cho rằng, việc hạn chế người nước ngoài đầu tư và sở hữu bất động sản du lịch tại Việt Nam là đang tự hạn chế sự phát triển của chính mình.
“Khi người nước ngoài mang tiền vào Việt Nam là gia đình, bạn bè đều vào đây, các dòng khách liên quan được đưa vào đây. Có thể trong 70 - 90 năm tới, các dinh thự, biệt thự là của họ nhưng tiền thuế là của ta, dòng người vào tiêu tiền là của ta, sự phát triển của nền du lịch là của ta. Vì vậy, tại sao chúng ta lại không khuyến khích như các nước vẫn đang làm?
Tôi cho rằng, khi chúng ta không ngăn được dòng tiền ra khỏi đất nước mình thì chúng ta cần phải tìm cách lôi tiền của nước ngoài vào đây bằng các chính sách bất động sản của Việt Nam. Có như vậy mới cân bằng được dòng tiền Việt Nam ra nước ngoài và hút dòng tiền từ nước ngoài vào bất động sản Việt Nam”, ông Nam lý giải.
Cùng bàn về vấn đề này, khi phát biểu tại Hội thảo, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng, khi nói về những điểm nghẽn của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, trong vấn đề pháp lý, ngoài vướng mắc về phân biệt các loại đất, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một “nút thắt” lớn. Do hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào nhằm tạo điều kiện cũng như lôi kéo các nhà đầu tư quốc tế.
“Từ góc độ pháp luật đất đai, mặc dù người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở”, ông Bình nói.
Đây là một trong những vấn đề đang cản trở sự gia nhập của giới siêu giàu trên thế giới có mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Nói xa hơn là cản trở dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản du lịch.
Tăng thời gian sở hữu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Trước những tồn tại nêu trên, TS. Lương Hoài Nam đề xuất, một số quốc gia quy định sở hữu bất động sản lên tới 99 năm để thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy Việt Nam cũng có thể cân nhắc tăng thời gian sở hữu để hút dòng vốn này đổ vào thị trường bất động sản du lịch.
“Việt Nam cần có tầm nhìn du lịch biển tầm Địa Trung hải, trọng điểm của châu Á, hướng đến giới siêu giàu. Chúng ta không cạnh tranh với các quốc gia Thái Lan, Malaysia bởi điều này chưa xứng đáng với tài nguyên nước ta. Việt Nam có quá nhiều tài nguyên về du lịch biển, du lịch núi… nên cần có tầm nhìn du lịch lớn hơn, xứng tầm hơn”, ông Nam khẳng định.
Nhìn nhận về điều này, tại Hội thảo, TS. Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Hội đồng định giá Bất động sản Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản Thái Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm của đất nước mình để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, ông Sopon Pornchokchai cho biết, ở Thái Lan không thắt chặt vấn đề người nước ngoài đến và sở hữu bất động sản du lịch, thậm chí tại đây còn có cách nhìn mở rộng với nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi khi người nước ngoài đến và sở hữu bất động sản du lịch sẽ kéo theo nhiều nhu cầu khác, dòng người khác, thậm chí là dòng tiền khác đi kèm. Vì vậy đây là một lợi ích cho quốc gia hơn là một bất lợi cần lo lắng.
Nói về giải pháp cho việc phát triển thị tường bất động sản du lịch Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng: “Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh du lịch rất lớn. Hiện nay, trên thế giới, so về tiềm năng phát triển du lịch, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển lớn nhất. Vì vậy, để tối ưu những điểm mạnh và giá trị đó, cần có những chính sách, pháp lý phù hợp tạo đà cho sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch”./.