Bất động sản giảm giá để hút dòng kiều hối
Thị trường bất động sản phía Nam đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm giá sản phẩm kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp để đón dòng kiều hối cuối năm. Nhiều nhà đầu tư Việt kiều cho rằng, đây là tín hiệu hấp dẫn vừa giúp Việt kiều có cơ hội đầu tư căn nhà thứ hai tại quê hương vừa giúp chủ đầu tư giải tỏa “cơn khát vốn” khi thanh khoản của thị trường đã tới giới hạn.
Khuyến mại trong “cơn khát tiền”
Hoàng Thao, một môi giới lâu năm tại sàn giao dịch bất động sản 2Bis Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP. HCM) cho biết, vào những ngày tháng 11, khách hàng chỉ cần “check in” dự án là sẽ được chiết khấu ngay 100 triệu đồng khi mua sản phẩm của Novaland. Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình ưu đãi thuộc diện “lần đầu tiên được áp dụng” cũng được chủ đầu tư chủ động tung ra khiến khách hàng cảm thấy rất hấp dẫn.
Anh Nguyễn Trần Vũ, Việt kiều Úc mới về thăm quê hương, cho biết dự án Aqua City tại Đồng Nai của Novaland được môi giới chào bán một số sản phẩm shophouse với mức chiết khấu gần 50% giá trị tài sản nếu thanh toán một lần (95% giá trị hợp đồng) hoặc giảm 28% cho phương thức thanh toán 70%. Các gói chiết khấu ưu đãi của dự án này đưa giá thành sản phẩm gần hơn với mong muốn nhà đầu tư và anh đã quyết định bán USD tại ngân hàng để thanh toán một lần. “Tỷ giá đang mang lại lợi ích kép cho nên tôi quyết luôn”, anh Vũ chia sẻ.
Tại dự án Moonlight Avenue, TP Thủ Đức, chủ đầu tư Hưng Thịnh Land đã tung ra thị trường với chính sách chiết khấu giá căn hộ lên đến 45% nếu người mua thanh toán vượt tiến độ 98% dự án. Nhờ chính sách linh hoạt này, dự án đã bán được gần 500 căn hộ trong đợt đầu tiên. Trong đó có không ít khách hàng là Việt kiều. Chị Đoan Trinh, Việt kiều Mỹ cho biết, với căn hộ hai phòng ngủ trên 60m2, thanh toán một lần chỉ gần 3 tỷ đồng là mức giá quá tốt thay vì gửi USD ở ngân hàng không được hưởng lãi suất.
Kế hoạch hút ngoại hối cũng được một số doanh nghiệp bất động sản tính toán đưa vào chính sách bán hàng của mình trong những đợt mở bán. Dù không có tỷ lệ chiết khấu lớn như các doanh nghiệp nói trên (chỉ tầm 2%-6%) nhưng đều hướng đến việc điều chỉnh phương thức giãn tiến độ thanh toán giúp để giúp khách hàng bỏ chi phí giai đoạn đầu thấp hơn, tạo thanh khoản cho thị trường và doanh nghiệp. Một số môi giới tiết lộ việc tăng chiết khấu đang giúp nhiều doanh nghiệp giải phóng đáng kể lượng tồn kho giá cao.
“Việc giảm giá để thoát hàng, thu tiền về là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm sơ cấp thay vì trực tiếp hạ giá bán, doanh nghiệp chọn tăng chiết khấu và đãi ngộ, vừa để thuyết phục khách hàng xuống tiền, vừa giữ mặt bằng giá chờ thị trường khởi sắc”, chị Hà Vy, một môi giới tại Thủ Đức cho hay.
Cũng theo chị Vy, thị trường nhà chung cư ở Thủ Đức chủ đầu tư nhắm tới khách hàng là Việt kiều trẻ, định cư nước ngoài sau năm 1975, nhiều người thành đạt, kinh doanh hiệu quả, có việc làm ổn định, chịu khó làm ăn nên thu nhập khá. Số tiền mà những người này gửi về thường có tính chất đầu tư. Họ quan tâm tới vị trí, chất lượng và “style” của dự án, trong đó đề cao căn hộ thông minh, nhiều ánh sáng và tỷ lệ cây xanh nhiều.
Trong khi đó, thế hệ Việt kiều lớn tuổi đã định cư từ trước năm 1980 lại quan tâm tới sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, gần biển như Phú Quốc, Phan Thiết, Hồ Tràm hoặc vùng có khí hậu mát như Đà Lạt, Bảo Lộc. “Sản phẩm nghỉ dưỡng cũng có nhiều ưu đãi nhằm giảm giá trực tiếp để hút kiều hối cho thế hệ những người cao tuổi. Họ có xu hướng mua cho thuê sau đó mỗi năm cần được ở miễn phí khoảng 30 ngày trong chính căn nhà của mình”, Tùng Anh, môi giới tại dự án khu biệt thự khoáng nóng Hồ Tràm, cho hay.
Một số chủ đầu tư khác lại có xu hướng thu hút kiều hối từ những người đi xuất khẩu lao động theo các hợp đồng của các công ty xuất khẩu lao động. Nếu như các năm 2008 - 2010 mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng 50.000 - 60.000 người đi xuất khẩu lao động chính thức, thì trong năm 2021 con số này đạt trên 160.000 người chưa kể số người tự đi làm việc không thống kê hết. Nguồn tiền của người Việt Nam ở nước ngoài thuộc nhóm này chuyển về nước lớn nhất và đang có xu hướng tăng cao. Sản phẩm căn hộ tầm trung được khách hàng quan tâm do là đối tượng lao động trẻ, có nhu cầu an cư sau khi hết hợp đồng về nước.
Tháo gỡ những bất cập để tăng cầu từ Việt kiều
“Thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn khủng hoảng cục bộ khi dòng tiền bị đứt gãy, lãi suất và lạm phát tăng cao. Các kênh huy động trên các thị trường vốn hẹp lại, việc tìm kiếm dòng tiền từ khách hàng đang cửa sáng nhất để tạo thanh khoản và bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp, nhất là kiều hối. Chúng tôi chấp nhận giảm mức lợi nhuận kỳ vọng để bán được hàng, có dòng tiền duy trì trong giai đoạn trước mắt. Nhà đầu tư nhỏ lẻ nếu biết cách tận dụng, người mua có nhiều cơ hội sở hữu bất động sản với mức giá hời ở thời điểm này. Dẫu vậy, cũng cần phải cân đối nguồn tiền, tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, tiến độ, chất lượng sản phẩm… không nên mua theo kiểu bất chấp mạo hiểm chỉ để được hưởng ưu đãi lớn”, ông Ngô Quang Anh, giám đốc kinh doanh của công ty tư vấn bất động sản Mayland (TP. HCM) cho hay.
Dẫu các chủ đầu nỗ lực, nhưng về phía khách hàng là Việt kiều, lại đang gặp khá nhiều rào cản để họ có thể thoải mái chọn lựa sản phẩm. Chị Jenny Trần, Việt kiều Mỹ cho hay, mặc dù pháp luật đã cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam nhưng con đường để được sở hữu nhà ở vẫn còn gian nan.
“Những người có nhu cầu mua nhà thực sự đều muốn tìm các địa điểm thuận lợi giao thông để vừa làm nhà ở, vừa làm văn phòng, trong khi đó quy định chỉ áp dụng với các căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc phạm vi hạn chế hoặc cấm người nước ngoài lưu trú, vì lo ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Khái niệm này khá chung chung và lựa chọn khó cho Việt kiều, chúng tôi mua nhưng e ngại không làm được sổ hồng cho căn hộ vì quy định này”, chị Jenny nói.
Cũng theo chị Jenny, nhiều ngân hàng vẫn chưa tạo điều kiện cho Việt kiều vay mua nhà, hoặc triển khai gói cho vay mua nhà trả góp song thủ tục rất chặt chẽ, đòi hỏi khách hàng phải làm việc lâu năm và được trả lương thông qua tài khoản của ngân hàng đó. Chính những quy định này là rào cản cho việc mua và sở hữu nhà của Việt kiều.
Anh Phạm Tứ, Việt kiều Ba lan cho rằng, để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người Việt định cư ở nước ngoài phải đi lại nhiều lần để xin các loại dấu xác nhận, rất tốn kém thời gian, chi phí. Do đó đa số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn lựa chọn các hình thức cũ như là nhờ người thân, bạn bè tại Việt Nam đứng tên mua nhà, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà ở của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cũng gây tâm lý ngại ngần mua nhà cho Việt kiều.
Theo ông Trần Khánh Minh, Giám đốc Công ty BĐS Bình Minh (TP. HCM) doanh nghiệp bất động sản mong muốn các cơ quan quản lý nghiên cứu thêm để tạo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa tổ chức, cá nhân Việt kiều trong việc tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản trên thị trường Việt Nam giống như các tổ chức, cá nhân trong nước. Chẳng hạn như sửa đổi quy định chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở cho bản thân và gia đình sinh sống bằng quy định cho phép họ sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng và mục đích sử dụng.
Ngoài ra, Việt kiều về nước đầu tư còn đem theo cả gia đình, vợ con và có nhu cầu về chỗ ở để yên tâm công tác. Vì thế, chính sách về nhà ở sẽ có vai trò quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế, thu hút các tổ chức cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có trình độ, bằng cấp vào Việt Nam, trở về Việt Nam sinh sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.