Bất động sản Khu công nghiệp vẫn sẽ là “điểm sáng” cuối năm 2024?

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng năm 2024 ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ khởi sắc nhờ dòng vốn FDI duy trì tăng trưởng tốt và giá thuê tiếp tục xu hướng đi lên.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2023. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 7, tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư của cả 7 tháng.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã phân bổ vốn vào 18 ngành trong số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 78% so với năm trước.

Theo bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao Khối thị trường giao dịch phía Bắc của JLL Việt Nam, thị trường khu công nghiệp Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư. Việt Nam hiện đang ở trong làn sóng đầu tư mới, với xu hướng phát triển sâu và định vị mình như một thị trường tiến bộ, thu hút các nhà đầu tư có trình độ cao.

Ông Tom Over, Giám đốc vận tải & công nghiệp của JLL Việt Nam & châu Á - Thái Bình Dương, cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Ông cho biết, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại và xuất khẩu tăng 15% trong 6 tháng đầu năm 2024. Việt Nam vẫn nổi bật trong khu vực về đầu tư nước ngoài, và thị trường đang chứng kiến sự phát triển đáng kể với nhiều dòng tiền đổ vào.

Theo CBRE, hiện nay, ngoài những nhà sản xuất điện tử, ôtô và phụ kiện, khách thuê từ những ngành mới trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất xe điện, bán dẫn hay vật liệu xanh quan tâm tới Việt Nam. Với sự định hướng của nhiều tỉnh, thành và sự quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, sẽ càng thúc đẩy nhu cầu trong tương lai.

Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao, CBRE chi nhánh Hà Nội dự báo 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp sẽ tăng 3-9%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam; giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn tăng nhẹ từ 1- 4%/năm. Đặc biệt, khi Việt Nam tiếp tục nâng cấp quan hệ ngoại giao với nhiều nền kinh tế lớn trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất cũng như bất động sản khu công nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ hưởng lợi và tiếp tục xu hướng phát triển.

Tuy nhiên, để duy trì vị thế là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện hạ tầng về đường sá kết nối, điện lưới, khu công nghiệp. Đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng lao động và điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp.

Dự báo về diễn biến phân khúc này trong những tháng cuối năm 2024, TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services-FERI) cho rằng, nguồn cung phân khúc bất động sản công nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn và gia tăng đáng kể trong dài hạn khi nhiều diện tích đất công nghiệp mới được quy hoạch.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng liên tục, thúc đẩy nhu cầu sử dụng đất công nghiệp và khu công nghiệp gia tăng.

“Do nguồn cung và cầu đều có xu hướng tích cực, giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024”, ông Khôi nói và dự báo tỷ lệ lấp đầy sẽ tăng nhẹ ở cả khu vực miền Nam và miền Bắc.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, nhờ chính sách ngoại giao linh hoạt để thu hút đầu tư của Chính phủ và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên bất động sản công nghiệp đang và sẽ được xem là điểm sáng của thị trường trong trung và dài hạn.

Các loại hình bất động sản công nghiệp cũng đang dần được đa dạng hóa khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư từ nhiều ngành nghề khác nhau gia nhập thị trường, đặc biệt là các ngành có giá trị cao, thay vì chỉ các ngành sản xuất truyền thống.

Các nhà đầu tư cũng bắt đầu mở rộng địa bàn đầu tư ra các địa phương mới có tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp nhờ lợi thế về vị trí, kết nối. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và chính quyền địa phương có nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Minh Đức (T/H)

Theo Chất lượng và Cuộc sống