Bất động sản liền thổ vẫn thu hút nhà đầu tư

Trong khi nhiều nhà đầu tư đang “mắc kẹt” sau đợt “sốt ảo” đất nền, giá căn hộ chung cư tăng nhẹ và sự trồi sụt của các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán, thì thị trường lại ghi nhận đà bật tăng đáng kinh ngạc của dòng sản phẩm bất động sản liền thổ.

Giá nhà liền thổ ở mức cao

Báo cáo Nhịp đập thị trường TP Hồ Chí Minh quý II/2022 của Cushman & Wakefield công bố mới đây cho thấy, bình quân giá bán sơ cấp của phân khúc nhà phố thương mại, nhà phố và biệt thự tại TP Hồ Chí Minh trong quý II lần lượt neo ở mức 4.700 USD/m2, 9.300 USD/m2 và 11.300 USD/m2, chưa bao gồm thuế VAT.

Bình quân giá chào bán các loại nhà gắn liền với đất tại TP Hồ Chí Minh quý II tăng 10 - 25% so với quý đầu năm. Đây là mức tăng giá khá mạnh và lập mặt bằng giá mới. Chỉ tính riêng phân khúc biệt thự, bình quân giá chào bán trong quý vừa qua đã tăng hơn 2.400 USD/m2 so với hồi đầu năm nay.

Điều đó cho thấy các sản phẩm nhà phố, biệt thự biệt lập được người mua nhà quan tâm ngay cả trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm; giá liên tục tăng mạnh. Đây vẫn là loại hình được giới phân tích đánh giá là kênh cất giữ tài sản phù hợp cho nhà đầu tư dài vốn, đặc biệt trong thời điểm thị trường có nguy cơ lạm phát và sự trồi sụt của các kênh đầu tư khác như đất nền, vàng, chứng khoán hay tiền gửi ngân hàng…

Giá bán sơ cấp nhà liền thổ tại TP.HCM
Giá bán sơ cấp nhà liền thổ tại TP.HCM

Theo Cushman & Wakefield, thị trường nhà liền thổ tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn tình trạng thiếu nguồn cung, kéo dài từ năm 2019 đến nay. Hiện trạng thiếu nguồn cung và việc nhiều dự án liền thổ cao cấp được tung ra đã đẩy giá bán trung bình của loại hình này lên một mức mới. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã đầu tư mạnh mẽ hơn vào ý tưởng thiết kế theo các mô thức nước ngoài, chú trọng tiện nghi và tiện ích nội khu, áp dụng những chính sách bán hàng hấp dẫn cũng góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh cho dòng sản phẩm này.

Không chỉ tại TP.HCM mà tại Hà Nội loại hình này cũng ghi nhận tăng nhiệt. Giữa năm 2021, sau gần 5 năm sống trong căn hộ cũ có diện tích 27m2 tại Bắc Từ Liên (Hà Nội), anh Phùng Quang Minh dự định tìm mua một căn nhà phố để chuyển chỗ ở rộng rãi hơn. Qua môi giới, anh liên hệ và rất ưng ý một căn 4 tầng, diện tích 32m2, ở Yên Hòa (Cầu Giấy), giá 3 tỷ đồng.

Dù rất “kết”, nhưng sau khi tính toán bán căn nhà cũ cộng với số tiền tích lũy vẫn phải vay hơn 700 triệu mới đủ tiền, anh Minh quyết định đợi thêm để cân đối tài chính. Đến đầu năm 2022, khi vốn đã đủ, anh Minh liên hệ với chủ nhà, nhà chưa bán, nhưng giá đã tăng lên 3,5 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, sở dĩ thị trường nhà liền thổ vẫn giữ được sức nóng là bởi sự quan tâm của nhà đầu tư và cả người mua nhà ở thực vẫn rất cao. Trong đó, nhiều nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi luôn có sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc này.

Cụ thể, với tầm nhìn trong vòng 3 - 5 năm, các sản phẩm thuộc phân khúc nhà phố, biệt thự tại các dự án đô thị vệ tinh của Hà Nội và TP.HCM có thể có biên độ lợi nhuận rơi vào khoảng 15 - 30%/năm. Đây là mức lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn đối với nhà đầu tư bất động sản.

Phân khúc nhà phố, biệt thự tại các dự án đô thị vệ tinh của Hà Nội và TP.HCM có thể có biên độ lợi nhuận rơi vào khoảng 15 - 30%/năm
Phân khúc nhà phố, biệt thự tại các dự án đô thị vệ tinh của Hà Nội và TP.HCM có thể có biên độ lợi nhuận rơi vào khoảng 15 - 30%/năm

Ông Hồ Đắc Duy, Quản lý Cấp cao Bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills nhìn nhận, trong những năm gần đây, mặc dù thị trường bất động sản có nhiều biến động, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận đối với sản phẩm bất động sản liền thổ có mức độ tăng giá khá cao dao động từ 20 - 25%/năm. Thậm chí tại một số dự án, khu vực, giá thị trường thứ cấp tăng 40 - 50%/năm.

Trước đó, báo cáo thị trường 2 quý đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, giá nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước. Mức giá bình quân tại các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh vùng ven TP.HCM và Hà Nội, tăng khoảng 5-10% so với cùng kỳ năm 2021.

Dự báo giá nhà liền thổ sau thời gian tăng nóng

Theo báo cáo thị trường BĐS TPHCM quý II năm nay của Savills, nguồn cung bất động sản liền thổ đang dần phục hồi trải dài khắp Thành phố.

Nguồn cung xây sẵn sơ cấp tăng 18% theo quý và 1% theo năm, đạt 577 căn. Cùng với đó, nguồn cung đất nền sơ cấp cũng tăng 10% theo quý với 221 nền nhưng giảm 17% theo năm.

Cũng theo báo cáo, trong quý II, lượng giao dịch BĐS liền thổ đạt hơn 370 căn, tăng 54% theo quý với tỷ lệ hấp thụ là 64%, cải thiện 15 điểm phần trăm theo quý. Các sản phẩm trên 18 tỷ đồng chiếm ưu thế với 64% lượng giao dịch và được hấp thụ 68%.

Theo như dự báo của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), lạm phát đạt 3,7% cho cả năm nay và sẽ tăng lên 5% vào năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm nay, 67% dư nợ tín dụng BĐS là vay mua nhà. Với tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, lãi suất tăng làm giảm lượng người mua sử dụng vốn vay do chi phí vay thế chấp cao hơn, theo các chuyên gia, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhà ở.

Đánh giá về vấn đề này, ông Hồ Đắc Duy - Quản lý cấp cao Bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills - cho biết, trong những năm gần đây mặc dù thị trường BĐS có nhiều biến động, nhưng tỷ suất lợi nhuận đối với BĐS liền thổ có mức độ tăng giá khá cao, dao động từ 20-25%/năm. Thậm chí tại một số dự án, khu vực giá thị trường thứ cấp tăng 40-50%/năm.

Tuy nhiên, vị này nhận định rằng, phân khúc nhà liền thổ tại TPHCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mặc dù hiện tại thị trường BĐS tương đối trầm lắng và tính thanh khoản chưa cao.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc CBRE, cũng cho biết, nhà đất tại cả 2 thị trường Hà Nội và TPHCM đều có mức tăng giá rất cao. Từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm nay, giá BĐS tăng bình quân 14%/năm, còn tại TPHCM là 21%/năm.

Trên thị trường thứ cấp, mức giá cũng tăng cao liên tục, tại Hà Nội mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 17%/năm cho sản phẩm biệt thự và 9% cho sản phẩm liền kề. Tại một số dự án "hot", mức tăng có thể gấp đôi. Tại TPHCM, con số này là 19%.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống