Bất động sản nghỉ dưỡng có thể trở lại đà tăng nhờ yếu tố này?

Với việc thị trường khách du lịch nội địa và khách quốc tế đang có dấu hiệu ổn định trở lại, nhiều chuyên gia đánh giá rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm quay trở lại và lấy lại đà tăng trong thời gian tới.

Bất động sản nghỉ dưỡng có thể trở lại đà tăng nhờ yếu tố này? - Ảnh 1

“Cú trượt dài”

Xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2015, các dự án bất động sản (BĐS) dần trở thành “món ăn khoái khẩu” của các nhà đầu tư bất động sản. Theo đó, hàng loạt các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã được được phát triển, tập trung ở khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Tuy nhiên, đến năm 2018, trước sự e ngại của nhà đầu tư liên quan đến tính pháp lý của condotel; năng lực vận hành, cam kết của chủ đầu tư, giá,...đã khiến phân khúc này rơi vào trạng thái “ngủ quên” và gần như không có giao dịch cho tới hết năm 2021.

Mặc dù có sự “đón đầu” hậu Covid vào thời điểm đầu năm 2022 khi cũng ghi nhận những sự sôi động hơn khi nhiều ông lớn BĐS đã dồn dập công bố, đề xuất đầu tư, tài trợ lập quy hoạch những dự án nghỉ dưỡng lớn. Song, chưa khởi sắc được bao lâu thì kể từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản chung bắt đầu rơi vào “trầm lắng”, nguồn cung và thanh khoản trên thị trường gần như không có. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng vì thế mà “ảm đạm” theo.

Theo đó, loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác đã khiến điều kiện thị trường tài chính trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là nhiều rủi ro và lãi suất tăng. Cùng với các vấn đề pháp lý chưa được giải quyết, hàng loạt dự án BĐS phải tạm dừng triển khai, trong đó phần lớn là các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý cuối năm 2023, chỉ có 913 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, tương đương nguồn cung quý 3/2023 và bằng 30% so cùng kỳ năm trước. Nguồn cung chủ yếu là sản phẩm căn hộ biển, rải rác khắp khu vực Bắc, Trung, Nam như tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng… Tuy nhiên, tính chung năm 2023, cả nước đón khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng mới, đã giảm tới hơn 80% so năm 2022.

Bên cạnh nguồn cung chậm cải thiện, toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng giao dịch thành công trong năm, giảm 90% so năm 2022. Phần lớn bất động sản nghỉ dưỡng vẫn “bất động” suốt thời gian qua, dù giá bán giảm 50% trên thị trường thứ cấp. Nhất là sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng giá trị cao trên 10 tỷ đồng.

Cũng theo VARS, quý IV/2023 thị trường đã có thêm sự nhộn nhịp bởi việc chạy rumor của một số dự án, chương trình kick off, mở bán quy mô lớn vốn đã vắng bóng trong các quý trước đó. Song phân khúc BĐS nghỉ dưỡng lại là phân khúc ghi nhận sự ảnh hưởng nặng nề nhất, đến thời điểm hiện tại vẫn rơi vào những “cú trượt dài”. Mặc dù, nhen nhóm cơ hội “tái sinh” nhờ Nghị định 10/2023/CP-NĐ.

Nguồn cung chủ yếu hiện nay là các sản phẩm căn hộ biển, rải rác cả các khu vực Bắc, Trung, Nam như tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng... Nguồn cung không đạt như kỳ vọng, trong đó, nguyên nhân chính là một số dự án quy mô lớn phải tạm ngừng mở bán vì vướng mắc pháp lý.

Động lực để phục hồi

Thực tế, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có liên quan chặt chẽ đến thị trường du lịch. Sự liên kết chặt chẽ giữa 2 lĩnh vực này mang đến những tiền năng lớn BĐS nghỉ dưỡng khi tận dụng đà tăng trưởng về nhu cầu du lịch bao gồm khách nội địa và quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù hoạt động kinh doanh khách sản vẫn còn gặp nhiều thách thức, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương. Nhưng nhiều giải pháp nhằm giữ chân, thu hút khách du lịch được áp dụng đi kèm với tín hiệu tích cực về nguồn cầu những tháng cuối năm và các chính sách thị thực mới được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

VARS đánh giá, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án nhằm bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên.

Cùng với việc cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư cần nỗ lực để thích nghi với xu hướng mới, đem tới trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.

“Hậu thuẫn” từ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới (Ảnh minh họa).  
“Hậu thuẫn” từ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới (Ảnh minh họa).  

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, nước ta đón 12,6 triệu lượt du khách quốc tế - gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Còn số liệu mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng 1,3% so với tháng 1/2024, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 14 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,9 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng.

Sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam. Khi thị trường du lịch phục hồi mạnh, các chuyên gia nhận định khả năng trong năm 2024, đà tăng trưởng về du lịch đối với khách nước ngoài sẽ tiếp tục và đây chính là lợi thế lớn cho bất động sản nghỉ dưỡng.

Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS, nhận định năm 2024 hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Cụ thể, chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023.

“Bên cạnh đó, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đặc biệt, liên quan đất đai Nghị định số 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình BĐS căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng… thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư. Hỗ trợ sự bứt phá trở lại của BĐS nghỉ dưỡng”, bà Phạm Thị Miền cho hay.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống