Bất động sản nghỉ dưỡng 'đượm buồn' trước loạt tín hiệu tích cực của ngành du lịch
Trong 2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có diễn biến trái ngược với đà tăng trưởng của ngành du lịch.
Trong khi thị trường du lịch trong nước đang có nhiểu chuyển biến tích cực thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lại có sự ảm đạm, trái ngược với đà tăng trưởng của ngành "công nghiệp không khói" này.
Theo báo cáo về thị trường bất động sản do DKRA Group công bố, nguồn cung của biệt thự nghỉ dưỡng trong giai đoạn hiện nay duy trì ở mức thấp. Điều này khiến các chủ đầu tư tiếp tục trì hoãn thời gian triển khai bán hàng, nhất là những sản phẩm giá trị cao khiến nguồn cung đưa ra thị trường hạn chế, không được như kỳ vọng. Cụ thể, nguồn cung mới của loại hình này đến từ 1 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo với 39 căn, mức tiêu thụ chỉ 5 căn, giảm đến 81% so với giai đoạn cuối năm.
Hiện nay, hơn 80% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng để điều chỉnh giá bán và chính sách bán hàng do thanh khoản của bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm đáng kể. Để kích cầu thị trường, nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi lãi suất, chiết khấu thanh toán nhanh,...
Với thực trạng này, DKRA Group nhận định khi những vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ và niềm tin của các nhà đầu tư chưa khôi phục trở lại, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục ảm đạm dù cho du lịch có những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Sự ảm đạm của bất động sản nghỉ dưỡng cũng được ghi nhận với Condotel, căn hộ khách sạn ghi nhận đà giảm khi nguồn cung của loại hình này vào tháng 1/2024. Đến tháng 2, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không ghi nhận dự án Condotel mở bán mới. Thanh khoản ở mức thấp, sức cầu của thị trường giảm mạnh, lượng tiêu thụ ghi nhận giảm hơn 94% so với tháng trước, tập trung vào những sản phẩm có mức giá dao động khoảng 2,5-3 tỷ đồng/căn.
Mặc dù các chương trình ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất,... đã được áp dụng rộng rãi để thị trường trở nên sôi động hơn, song Condotel vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các yếu tố như pháp lý, nguồn vốn, thanh khoản thấp... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Với loại hình nhà phố/Shophouse, trong 2 tháng đầu năm 2024 thị trường không ghi nhận nguồn cung mở bán nào. Sức cầu chung trên thị trường ở mức thấp, lượng giao dịch khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào những sản phẩm có pháp lý hoàn thiện với mức giá dưới 15 tỷ đồng/căn, nhiều dự án dời thời gian do không đạt được lượng booking như kỳ vọng... là thực trạng ảm đạm của loại hình này.
Mặc dù đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu thị trường, song trên thực tế vẫn có những dự án chưa hoàn thiện pháp lý, thi công chậm tiến độ,... đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Điều này khiến nguồn cung cũng như thanh khoản thị trường giảm đáng kể, chưa có dấu hiệu hồi phục trong ngắn hạn.
Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 năm 2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 2/2024, Việt Nam đón hơn 1,53 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,3% so với tháng 1. Con số này tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019, thời điểm trước dịch Covid-19.
Tính chung, tổng số khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy những tín hiệu tích cực trong quá trình hồi phục ngành du lịch.