Bất động sản vẫn là kênh đầu tư ổn định trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp
Lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm sâu, chính là một trong những lý do để thúc đẩy chi tiêu, trong đó có kích cầu đầu tư bất động sản. Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, 2 quý đầu năm 2021, tổng cầu bất động sản tăng cao, tỷ lệ giao dịch đạt 132% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy đây vẫn là kênh đầu tư ổn định trong tình hình Covid-19.
Cũng theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong hai quý đầu năm 2021 thì sản phẩm thấp tầng có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 47,3%, căn hộ cao cấp đạt tỉ lệ hấp thụ thấp nhất chỉ 10,9 %, đặc biệt sản phẩm nhà ở bình dân đã mất hẳn trên thị trường. Tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung tiếp tục khan hiếm, chỉ có 3 dự án đủ điều kiện mở bán, đây là một trong những lí do khiến giá bán căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh biến động rất mạnh, giá bình quân của căn hộ cao cấp được chào bán trong quý II là con số kỷ lục từ trước đến nay ở Việt Nam, một số dự án ở quận 1 được chào bán từ 366 triệu đến 500 triệu/m². Tại khu vực TP. Thủ Đức loại hình shophouse đến nay chạm ngưỡng trên dưới 200 triệu/m², nhà liền kề chạm ngưỡng 100 triệu/m².
Dự báo về diễn biến thị trường 6 tháng cuối năm 2021, các chuyên gia đã đưa ra nhận định: “Bất động sản công nghiệp tiếp tục giữ vị thế triển vọng phát triển tốt nhất. Đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ các thương vụ M&A và nguồn cung mới” – ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội. Trong khi đó chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho rằng: “Trong tình hình dịch bệnh thế này không nên đầu tư vào dự án giá cao, nhà đầu tư có tài chính ổn định có thể cân nhắc mua thêm sản phẩm với mức vốn vay ngân hàng từ 20 – 30% giá trị sản phẩm để đầu tư dài hạn.
TS Sử Ngọc Khương cũng đưa ra nhận định: Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến phân khúc căn hộ, đặc biệt đất vùng ven với sức hút rất lớn. Nhà đầu tư sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn trong cách phân bổ dòng tiền nhưng bỏ tiền vào BĐS là cách gia tăng giá trị tài sản nhanh nhất.
Còn Hiệp hội BĐS Việt Nam đưa ra một số dự báo, nếu Việt Nam ngăn chặn thành công đợt dịch thứ 4 vào nửa quý III thì lực cầu thị trường tăng mạnh trở lại ở quý IV/2021, tổng giao dịch có thể đạt tương đương 70 – 80% so với năm 2020. Phân khúc đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được nhà đầu tư săn tìm; những dự án có pháp lý tốt, chất lượng tốt, giá phù hợp sẽ được hấp thụ tốt.
Nhận định của giới chuyên gia dựa trên nhiều cơ sở trong đó có một lí do là các thị trường vùng ven hiện nay đang được đầu tư phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, một số khu vực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh và gia tăng vốn FDI chính là những tín hiệu khả quan để bất động sản phát triển. Điển hình có thể kể đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 6 tháng đầu năm 2021, ĐBSCL vẫn là khu vực đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI và tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân cả nước.
Có thể kể đến một số tỉnh thành dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài như Bạc Liêu và Cần Thơ với các dự án chế biến chế tạo năng lượng sạch. Hay Long An và Hậu Giang là hai tỉnh có thế mạnh dẫn đầu về phát triển công nghiệp cũng nằm trong Top 4 các tỉnh thành tăng trưởng GRDP cao nhất vùng ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trong đó phải kể đến Hậu Giang với chính sách thu hút đầu tư đột phá: Miễn thuế trong 4 năm đầu tiên; giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về đầu tư phát triển công nghiệp. Đặc biệt chiến lược 10 năm giai đoạn 2021-2030 tỉnh Hậu Giang chú trọng phát triển công nghiệp, logistic và coi đây là lĩnh vực mũi nhọn để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó tỉnh xác định phát triển huyện Châu Thành trở thành huyện công nghiệp của tỉnh.