Tin nóng bất động sản tuần qua: ‘Choáng’ với giá nhà đất tại TP Hồ Chí Minh hơn 500 triệu đồng/m2
Giá nhà đất tại TP Hồ Chí Minh ‘neo cao’ có nơi lên đến nửa tỷ đồng/m2, Tập đoàn Hòa Phát bán công ty con, giá nhà đất tại những khu vực không giãn cách đang ở mức nào, Viettel muốn ‘thoát’ khỏi dự án Rose Valley gần 12.000 tỷ đồng, siêu dự án Sân bay Long Thành đã được giải ngân gần 11.000 tỷ đồng,…là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.
Giá nhà đất tại TP Hồ Chí Minh ‘neo cao’ có nơi lên đến nửa tỷ đồng/m2
Theo khảo sát trên nền tảng bất động sản thật ProPry, TP Hồ Chí Minh hiện có 2,6 triệu căn nhà và đang là địa phương có nhiều nhà nhất Việt Nam, chiếm 10% cả nước. Trong đó, 67% là nhà riêng, 32% nhà thuê và 1% nhà tập thể.
Giá đất mặt tiền đường trung bình tại Quận 1, 3, 5, 10 khoảng hơn 300 triệu đồng/m2. Có nơi lên đến trên 500 triệu đồng/m2 (tại đường Trần Khắc Chân, quận 1). Còn các quận cận trung tâm như Quận 4, 6, 11, quận Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh có giá đất mặt tiền trung bình dao động 150 – 300 triệu đồng/m2.
Trong khi đó tại các khu vực mới phát triển như Quận 2, 7, 8, 9, 12, quận Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp và TP Thủ Đức có giá đất mặt tiền từ 70 – 150 triệu đồng/m2. Các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh có giá đất mặt tiền trung bình dưới 70 triệu đồng/m2.
Cũng theo nghiên cứu của ProPry, kể từ khi Covid-19 xuất hiện, nhà phố tại TP Hồ Chí Minh vẫn có mức tăng giá từ 10 – 17% (tính từ tháng 1/2020 – tháng 6/2021), tuy nhiên thanh khoản của thị trường bất động sản có biến động mạnh. Cụ thể, trong 4 đợt Covid-19 hoành hành, thanh khoản đợt 1 giảm 29%, đợt 2 giảm 2%, đợt 3 giảm 25% và đợt 4 giảm đến 44%.
Thị trường đất nền tại Đà Nẵng đang giảm sâu?
Theo tìm hiểu từ DKRA Việt Nam, tính riêng 7 tháng đầu năm 2021, thị trường Đà Nẵng chỉ có một dự án đất nền mở bán, cung cấp khoảng 218 sản phẩm, tăng 1,19 lần so với năm trước nhưng tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ khoảng 23% (91 sản phẩm), giảm 12,5% so với lượng tiêu thụ năm 2020. Nguồn cung chủ yếu tập trung dọc theo 2 bên sông Cổ Cò. Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng kém sôi động với lượng khoản khá thấp. Không chỉ vậy, giá bán thứ cấp đất nền tại thị trường Đà Nẵng ghi nhận mức giảm trung bình khoảng 5 – 10% so với năm 2020.
Với dòng sản phẩm căn hộ, trong 7 tháng đầu năm 2021, nguồn cung căn hộ mới tại Đà Nẵng đến từ 4 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 236 căn chỉ bằng 46% năm 2020. Tỷ lệ tiêu thụ căn hộ cũng chỉ bằng 49% so với cùng kỳ. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn. Sức tiêu thụ khá thấp trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Mặt bằng giá bán thứ cấp căn hộ tại Đà Nẵng tiếp tục có sự điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức giảm giá thứ cấp bình quân khoảng 1,4% so với đầu năm.
Riêng phân khúc nhà phố/ biệt thự, do nguồn cung và lượng tiêu thụ không biến động nên giá bán sơ cấp phân khúc này không mấy thay đổi so với những đợt mở bán trước, nhiều chính sách bán hàng với mức chiết khấu cao được áp dụng nhằm kích cầu trước đà suy giảm chung của thị trường. Riêng phân khúc biệt thự biển vẫn ghi nhận sức mua chung rất thấp. Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng sự khan hiếm nguồn cung kéo dài từ cuối năm 2019, hiện nay, thị trường biệt thự biển Đà Nẵng rơi vào trạng thái trầm lắng, sức cầu thị trường rất thấp. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng ghi nhận phân khúc biệt thự biển không có nguồn cung mới.
Những khu vực không phải giãn cách, thị trường bất động sản đang diễn biến ra sao?
Tại những tỉnh thành dịch bệnh không diễn biến phức tạp và không phải thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động giao dịch mua bán bất động sản vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên sức mua trên thị trường không được mạnh như trước.
Cụ thể, Quảng Ninh và Hòa Bình là những thị trường bất động sản sôi động trong những năm gần đây. Đến thời điểm hiện tại, đây là một trong số ít các tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong nước. Hoạt động giao dịch mua bán, khảo sát thị trường bất động sản vẫn diễn ra bình thường tại 2 tỉnh này.
Tại Quảng Ninh, các khu vực phát triển như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái… môi giới vẫn tiếp tục dẫn khách đi xem đất. Anh Nguyễn Hữu Hòa, môi giới tại đây cho biết do Quảng Ninh kiểm soát dịch bệnh tốt nên thị trường bất động sản cũng như nhiều lĩnh vực khác hoạt động bình thường. Các hoạt động mua thực và đầu tư vẫn đang diễn ra. Nhưng ở thời điểm này, các giao dịch mua ở thực nhiều hơn đầu tư nên các sản phẩm anh Hòa và bạn bè giao dịch thành công tập trung chính ở phân khúc nhà ở, đất nền khách mua để xây nhà và các căn hộ chung cư.
Hòa Bình cũng là một tỉnh kiểm soát dịch bệnh tốt thế nhưng ở thời điểm hiện tại thị trường bất động sản Hòa Bình khá trầm lắng. Gần 2 tháng nay, nhiều sàn ở đây không phát sinh giao dịch, phải cho nhân viên nghỉ không lương. Sự sôi động của thị trường Hòa Bình trong 3 năm trở lại đây tập trung chính ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Đại dịch càng khiến phân khúc này trở nên “hot” bởi sự bùng nổ của xu hướng du lịch staycation – những chuyến đi ngắn, không phải di chuyển bằng máy bay. Khách hàng của dòng sản phẩm này chủ yếu là giới nhà giàu Hà Nội – nơi đã giãn cách hơn tháng nay vì đại dịch khiến môi giới không thể tiếp cận tư vấn khách hàng và tổ chức site tour thực tế nên tình hình giao dịch ảm đạm
Trong khi đó, phân khúc đất nền dự án, đất thổ cư, đất vườn trong dân ở Hòa bình cũng không sôi động. Trước khi dịch bùng lần thứ 4, giới nhà giàu Hà Nội thường đổ về đây săn đất để làm biệt thự, nhà vườn. Thế nhưng Hà Nội giãn cách xã hội hơn 1 tháng nay khiến phân khúc này ảm đạm.
Tại Thái Bình – tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua, hoạt động giao dịch mua bán bất động sản vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, cũng như Quảng Ninh, các dòng sản phẩm mua với mục đích ở thực ghi nhận thanh khoản tốt và đều hơn so với mua đầu tư. Mức giá vẫn dao động phổ biến từ 14-20 triệu đồng/m2 đất ở khu vực thị trấn, thành phố, những vị trí đẹp kinh doanh ở thành phố Thái Bình, giá vẫn được chào bán phổ biến 50-70 triệu đồng/m2. Đất nông thôn thuộc các xã, vị trí đẹp có giá 9-12 triệu đồng, đất sâu bên trong làng giá vẫn phổ biến 4-6 triệu đồng/m2.
Bí ẩn một doanh nghiệp ‘tí hon’ vừa mua lại công ty con của Tập đoàn Hòa Phát
Theo Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2021 của Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Tập đoàn tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát cho Công ty Cổ phần Nội thất Eden Việt Nam.
Theo thông tin từ phía Hòa Phát giá trị ghi sổ của thương vụ chuyển nhượng này là 398,4 tỷ đồng (tương đương 99,6% vốn điều lệ). Đồng thời giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, tức là Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lãi 498 tỷ đồng từ việc thanh lý công ty con.
Được biết, trước đó ngày 4/1/2021 HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng đã thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Tập đoàn tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát. Theo đó, giao Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đàm phán, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng.
Tập đoàn Viettel tiếp tục muốn ‘thoát’ khỏi dự án Rose Valley gần 12.000 tỷ đồng
Thời điểm đầu tháng 8/2021 Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thông báo về việc chào bán cạnh tranh toàn bộ lô gần 4,6 triệu cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Vĩnh Sơn. Đáng chú ý đây là lần thứ ba Viettel rao bán cổ phiếu Vĩnh Sơn. Cả hai lần trước đều không thể tổ chức do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.
Cả lô cổ phiếu này có giá khởi điểm là hơn 922 tỷ đồng, tương đương 201.044 đồng/cổ phần. Thời gian tổ chức đấu giá là 14h30 ngày 21/9 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
CTCP Vĩnh Sơn được thành lập với hoạt động chính là triển khai dự án xây dựng Khu đô thị Thung lũng Hoa Hồng (Rose Valley) tại Mê Linh, Đông Anh, Hà Nội. Dự án có quy mô 75,51 ha. Tổng mức đầu tư của dự án này dự kiến là 11.873 tỷ đồng.
Siêu dự án Sân bay Long Thành đã được giải ngân gần 11.000 tỷ đồng
Theo thông tin trên cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, tổng vốn đã được Trung ương bố trí cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành là hơn 22,8 ngàn tỷ đồng. Qua hơn 2 năm triển khai dự án, đến nay, Đồng Nai đã thực hiện giải ngân hơn 10,6 ngàn tỷ đồng trong tổng vốn được trung ương bố trí, đạt 46,5% kế hoạch vốn.
Trong đó, năm 2019, Đồng Nai thực hiện giải ngân nguồn vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng và năm 2020 giải ngân được hơn 6,1 ngàn tỷ đồng. Theo UBND tỉnh, đến cuối tháng 6, các cơ quan liên quan đã thực hiện giải ngân nguồn vốn hơn 3,3 ngàn tỷ đồng trong tổng vốn hơn 9,1 ngàn tỷ đồng được giao đối với dự án đạt hơn 28,7% kế hoạch.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn và dự án tái lập hạ tầng ngoài ranh hàng rào sân bay để thực hiện giải ngân nguồn vốn được giao.
Bất động sản Phước Long huy động nghìn tỷ từ kênh trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) được công bố vào ngày ngày 1/9/2021, Công ty TNHH Đầu tư Kinh danh Bất động sản Phước Long ã phát hành thành công 1.050 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 60 tháng được phát hành vào ngày 30/6/2021.
Cụ thể, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 9%/năm, các kỳ tiếp theo sẽ được tính bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó cộng biên độ 1,1%/năm.
Được biết, tài sản đảm bảo là toàn bộ phần vốn góp Công ty TNHH Hải Dương Giang Biên dự kiến thuộc sở hữu của Phước Long (TSĐB 1), toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của Hải Dương Giang Biên tại Công ty TNHH Dịch vụ Phát triển Hưng Phú và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú (TSĐB 2,3); toàn bộ phần vốn góp của Hưng Phú tại Mỹ Phú (TSĐB 4); quyền và lợi ích phát sinh từ dự án Khu dân cư Mỹ Phú (TSĐB 5).
Trong đó, toàn bộ phần vốn góp Công ty TNHH Hải Dương Giang Biên dự kiến thuộc sở hữu của Phước Long đang được dùng để bảo đảm cho khoản vay có số tiền cấp tín dụng 950 tỷ đồng của Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hoàng Nghiệp (Hoàng Nghiệp). Còn các tài sản đảm bảo khác đang được dùng để đảm bảo khoản vay Hoàng Nghiệp và khoản vay cấp tín dụng lên tới 1.207 tỷ đồng của Mỹ Phú.