‘Điêu đứng’ vì Covid-19, nhiều nhà đầu tư bất động sản ồ ạt ra hàng để ‘vớt vát’
Làn sóng dịch bệnh kéo dài đang khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng và ồ ạt ra hàng nhằm “vớt vát” lại khoản đầu tư trước đó. Bên cạnh một số nhà đầu tư phải cắn răng giảm giá bán tháo, thị trường chủ yếu vẫn là rao bán chặn lời.
Tính đến hiện tại, đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để mua căn hộ trên khu vực phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức vào thời điểm cuối năm 2019, anh Minh Đức cho biết, tính toán ban đầu là đợi khoảng cuối năm 2021 khi dự án cất nóc sẽ bán ra với mức lời dự kiến vào khoảng 10-15%. Hiện, gia đình anh đã đóng đến 65% giá trị căn hộ và theo dự kiến sẽ vay trả góp phần còn lại. Song đợt dịch lần thứ tư diễn biến phức tạp kèm theo giãn cách kéo dài khiến tài chính khó khăn, thu nhập của cả vợ chồng anh đều bị giảm hơn 50%, chi phí sinh hoạt và tiền dự phòng chăm sóc sức khỏe phải dè xẻn nên không đủ tiền đóng các đợt tiếp theo. Anh phải chấp nhận bán non căn hộ để cắt lỗ thoát hàng.
Anh Đức cho biết, anh đã bán ra được căn hộ trên với mức giá rẻ hơn 5% so với giá bán hiện tại của dự án này. Tuy nhiên qua tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, so với thời điểm cuối năm 2019 khi mới chào bán, giá giao dịch thứ cấp dự án này vào giai đoan đầu năm 2021 đã tăng hơn 7-10% nhờ ăn theo việc thành lập TP. Thủ Đức. Việc anh Đức phải bán “cắt lỗ” 5% so với giá thị trường chỉ khiến nhà đầu tư này giảm một khoản lời. Nếu trừ đi các khoản thuế và phí môi giới, anh Đức chỉ bị mất lãi chứ không thâm hụt số tiền mà anh đã đổ vào đầu tư.
Tương tự, chị Quế Trân (Bình Chánh) cũng phải chấp nhận giảm giá để bán nhanh căn nhà phố khu vực quận 9 (cũ) nhằm giải tỏa áp lực tài chính và thanh toán các khoản chi tiêu duy trì việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên chị Trân cũng không giấu diếm việc chị giảm giá bán như trên cũng không phải là cắt lỗ mà chỉ là giảm bớt một phần lời để ra hàng nhanh.
Chị Quế Trân cho biết, căn nhà phố này chị mua từ giữa năm 2020 với tầm giá 4 tỷ đồng trong một khu dân cư mới vẫn đang xây dựng, chưa quá xôm tụ nhưng an ninh và hạ tầng giao thông triển khai tốt. Mục đích mua chính là để đầu tư bán lại khi giá tăng cao. Đầu năm 2021 khi TP. Thủ Đức chính thức thành lập, giá căn nhà phố của chị “một bước lên mây”, được chào mua lại với giá 5,5 tỷ đồng, thậm chí vào thời điểm tháng 4 còn có môi giới ngã giá gần 6 tỷ đồng.
“Nếu không phải dịch giã khó khăn, tôi cũng tiếc mà không bán căn nhà này. Khách mua lúc đầu kỳ kèo đòi giảm sâu nhưng sau cùng cả hai thống nhất mức giá 5 tỷ đồng. Nếu so với giá thời điểm mua vào, tôi vẫn lời gần 1 tỷ đồng nhưng nếu so với mặt bằng giá bán hiện hữu của khu vực này thì tôi lỗ mất gần 500 triệu đến cả tỷ đồng. Nghĩ thì rất tiếc nhưng hoàn cảnh này thì phải chấp nhận”, chị Trân cho hay.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, thị trường cũng bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng. Một số nhà đầu tư và môi giới nhà đất lâu năm cho biết, trong giai đoạn hiện nay, loại hình BĐS thật sự phải cắt lỗ nhiều là các căn hộ mới triển khai và đất nền ở tỉnh. Nhà đầu tư lỡ ôm quá nhiều loại sản phẩm này cùng lúc, áp lực thanh toán lớn nên muốn xả hàng nhanh thì đành chấp nhận giảm giá sâu.
Một nhà đầu tư đất nền ngụ tại Phường 13, Tân Bình cho biết, qua đợt dịch này ông đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi cần xả hàng nhanh. Ông lỡ ôm đến 4 căn hộ thuộc một dự án chung cư mới khởi công vào năm 2020, hiện vẫn chưa triển khai xong. Giá mỗi căn trung bình từ 2,8-3,5 tỷ đồng, mỗi đợt thanh toán ông chi ra hơn cả tỷ đồng. Trong tình hình kinh doanh đóng băng, tiền phải dành vào nhiều việc thiết yếu khác, nhà đầu tư này phải chấp nhận xả hàng lại cho chủ đầu tư với giá gốc. Nếu tính toán các khoản chi phí đã bỏ ra trước đó thì ông vẫn lỗ hàng trăm triệu đồng cho các căn hộ trên.
Tương tự, một nhà đầu tư đất nền ngụ tại Phường An Lạc, Bình Tân cho biết, đầu tháng 3 vừa qua anh theo làn sóng săn đất, gom tổng cộng 3 nền đất tại Bình Dương và Khánh Hòa, vì cần tiền mặt giữa đợt dịch nên đã phải trả lại cho sàn môi giới 2 nền chưa ra sổ với giá gốc. Sau khi cấn trừ lãi vay và chi phí môi giới, anh lỗ mất 350 triệu đồng. Nếu có thể cầm cự giữ hàng qua giai đoạn khó khăn này, anh tính toán mình sẽ có lãi nhưng giờ quá bí bách tiền mặt, thanh khoản thị trường kém nên đành chấp nhận lỗ.
Theo giới chuyên gia, làn sóng Covid-19 lần thứ tư không chỉ trực tiếp làm giảm sút nguồn thu nhập từ cho thuê mà còn làm hao mòn tích lũy của nhà đầu tư cá nhân, từ đó tác động mạnh đến khả năng nắm giữ tài sản của họ. Tình trạng nhà đầu tư bất động sản xả hàng giảm giá xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, các đợt thoát hàng hiện nay chỉ dừng lại ở mức cắt lỗ kỹ thuật, chặn lãi chứ chưa xuất hiện tình trạng ồ ạt bán đổ bán tháo.
Giới chuyên môn cũng nhận định, mặc dù hiện tại làn sóng cắt lỗ bất động sản mới chỉ dừng ở ngưỡng cắt lỗ kỹ thuật, nhưng nếu việc khống chế dịch bệnh chưa thể cải thiện trước tháng 9, khả năng sẽ có thể xảy ra hiện tượng bán tháo nhẹ vào thời điểm cuối năm nay. Nhiều nhà đầu tư mất khả năng tài chính, chậm đóng tiền, hết khả năng thanh toán quá lâu, có thể bị phạt thanh lý hợp đồng sẽ phải chấp nhận mức giảm sâu hơn.