BĐS tuần qua: Nhà đầu tư ngoại rót 66 tỷ USD mua BĐS, 'tay to' Hà Nội rục rịch trở lại Khánh Hòa
Cổ phần hóa 'ông lớn' ngành xây dựng: Xử lý vi phạm tài chính hơn 5.690 tỷ đồng; Hàng hot 1 thời 'đóng băng': Rao cả trăm khách sạn, may lắm bán được một; Tay to Hà Nội rục rịch trở lại Khánh Hòa, túi sẵn tiền tỷ ‘săn’ đất nền Vân Phong; Hà Nội: Dừng triển khai 18 dự án trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy...
Cổ phần hóa 'ông lớn' ngành xây dựng: Xử lý vi phạm tài chính hơn 5.690 tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.
Qua thanh tra về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại 10 công ty mẹ - tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng, Thanh tra cho biết những vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lý với số tiền (tạm tính) đến thời điểm thanh tra (31/12/2019) là hơn 5.690 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền hơn 1.879 tỷ đồng.
Cụ thể, Vicem khi xác định giá trị doanh nghiệp đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản các mỏ đá vôi, đất sét khoảng 1.507 tỷ đồng; Licogi tính thiếu khoảng 348 tỷ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt; Viwaseen tính thiếu 23,8 tỷ đồng khi chuyển nhượng dự án khu đô thị An Thịnh 6.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, quá trình xử lý tài chính để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa xử lý, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỷ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định. (Xem thêm)
Nhà đầu tư ngoại rót 66 tỷ USD vào 1.100 dự án bất động sản ở Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết lĩnh vực bất động sản là một trong các lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 35 năm qua, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng. Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần chuẩn hóa thị trường bất động sản tại Việt Nam...
Lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Trong đó, đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. Về địa phương đã có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó TP. HCM dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.
Về quy mô dự án, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên đến hàng tỷ USD như dự án: công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu; thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, Công ty TNHH phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam... (Xem thêm)
Hàng hot 1 thời 'đóng băng': Rao cả trăm khách sạn, may lắm bán được một
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo gần 400 tài sản cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 3-4 sao tại miền Trung.
Tại Hội An (Quảng Nam), VietinBank thông báo đến gần 40 bất động sản, trong đó có các khách sạn 3-4, với giá trị từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, một khách sạn 4 sao có diện tích hơn 1.800m2, gồm 104 phòng, có giá bán 420 tỷ đồng; một khách sạn 4 sao khác diện tích hơn 9.000m2 với 98 phòng cũng được rao bán với giá hơn 400 tỷ đồng…
Thành phố du lịch ngay bên cạnh Quảng Nam là Đà Nẵng cũng được VietinBank rao bán nhiều bất động sản, trong đó có Lô A2-6 khu khách sạn - Condotel (Căn hộ) và dân cư Saphia…
Tại Đà Nẵng, làn sóng rao bán khách sạn đã diễn ra nhiều năm nay từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc kinh doanh thua lỗ. Đến thời điểm hiện tại, việc rao bán các khách sạn vẫn diễn ra rầm rộ mỗi ngày trên các trang rao bán bất động sản.
Các khách sạn được rao bán có đủ loại từ 2 sao đến 5 sao, giá bán từ hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. (Xem thêm)
Tay to Hà Nội rục rịch trở lại Khánh Hòa, túi sẵn tiền tỷ ‘săn’ đất nền Vân Phong
Sau thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản Khánh Hòa đang có dấu hiệu tích cực. Một số nhà đầu tư ở Hà Nội, TP.HCM đã rục rịch trở lại để “săn” đất nền sau các quy hoạch được phê duyệt.
Đầu tháng 7/2023, anh Xuân Bính - một môi giới bất động sản thị trường Khu kinh tế Vân Phong cho biết, sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch một số phân khu thuộc Khu kinh tế Vân Phong, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm và có nhu cầu mua đất ở đây, trong đó chủ yếu là khách đến từ Hà Nội và TP. HCM. Khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm là Khu đô thị du lịch Cổ Mã – Tu Bông (Phân khu 08).
“Những ngày qua, có lượng khách mới quan tâm và nhờ tìm đất để đầu tư. Đầu tuần này, có khách Hà Nội hẹn vào để xem đất. Tài chính của họ tầm 4 tỷ. Thời điểm này lượng giao dịch chưa ổn định như những năm trước nhưng đã có giao dịch trở lại', anh Bính cho biết..
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, qua tham khảo các nguồn dữ liệu, thị trường bất động sản Khánh Hòa trong quý II/2023 phát sinh 6.216 giao dịch với tổng giá trị giao dịch khoảng gần 2.897 tỷ đồng. Thị trường bất động sản quý II/2023 được nhận định sôi động hơn so với quý I/2023. (Xem thêm)
Hà Nội: Dừng triển khai 18 dự án trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Cầu Giấy.
UBND thành phố cho biết, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ thực hiện theo Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND thành phố.
Trong đó, đáng chú ý, UBND thành phố đã chỉ đạo dừng thực hiện các nội dung đã được chấp thuận trước đây đối với 18 dự án quy hoạch trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy.
18 dự án gồm có 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 01/7/2014, đã quá tiến độ thực hiện dự án tại quyết định chủ trương đầu tư, chưa được giao đất, cho thuê đất và 12 dự án đã nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, chưa được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư. (Xem thêm)
Phó thủ tướng 'lệnh' 4 bộ vào cuộc gỡ khó Dự án Vinhomes Đan Phượng rộng 130ha
Trước kiến nghị của UBND TP. Hà Nội về việc sử dụng quỹ đất thực hiện Dự án Vinhomes Đan Phượng để thanh toán cho dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 theo hình thức hợp đồng BT, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu 4 bộ vào cuộc gỡ vướng thủ tục.
Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và UBND TP. Hà Nội báo cáo, đề xuất Thủ tướng phương án giải quyết.
Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ quy định của pháp luật về PPP (loại hợp đồng BT) trong từng thời kỳ. Đặc biệt đối chiếu với thời điểm TP. Hà Nội ký kết hợp đồng BT dự án này thì pháp luật làm căn cứ ký hợp đồng bao gồm các quy định nào, đã đủ cơ sở để tiếp tục triển khai dự án và thanh, quyết toán khi sử dụng đất hay chưa? Còn vướng mắc gì và giải quyết thế nào?
Đối với kiến nghị của TP. Hà Nội về sử dụng toàn bộ 130ha đất để thanh toán cho nhà đầu tư, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét có được thực hiện hay không? Nếu không thì do đâu, vướng mắc gì và giải quyết vướng mắc đó như thế nào?. (Xem thêm)
TP. HCM: Đấu giá lại lô đất đại gia Tân Hoàng Minh mua 24.500 tỷ rồi bỏ cọc
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, vừa kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức đấu giá trước các lô đất và độc lập với kế hoạch đấu giá 3.700 căn hộ tại khu đô thị mới này.
Cụ thể, sau khi lấy ý kiến của các sở ban ngành liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất tổ chức thực hiện kế hoạch đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước và độc lập với kế hoạch đấu giá 3.790 căn hộ.
Về kế hoạch đấu giá chi tiết các lô đất được thực hiện đấu giá trước là hai lô đất thuộc khu chức năng số 1 (ký hiệu 1-2, 1-3), đề xuất UBND TP. HCM phê duyệt phương án đấu giá trước ngày 5/10/2023 và sẽ tổ chức bán đấu giá trong tháng 6/2024.
Lô đất 3-5 thuộc khu chức năng số 3, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND TP. HCM phê duyệt phương án đấu giá trước ngày 10/11/2023. Sau đó tiến hành các thủ tục tiếp theo để tổ chức đấu giá trong tháng 7/2024. (Xem thêm)