'Soi' tỷ lệ ROE của nhóm Big3 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2021

Dù nhóm Big3 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank đều đạt lợi nhuận ấn tượng nhưng hiệu quả khai thác nguồn vốn lại có sự chênh lệch quá lớn so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Khả năng sinh lợi là thước đo hiệu quả bằng tiền giúp đánh giá tình hình hoạt động cũng như những rủi ro mà ngân hàng gặp phải. Trong đó, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) là một trong những chỉ tiêu tiêu biểu dùng để đánh giá khả năng sinh lợi của các ngân hàng. Tỷ số ROE còn tùy thuộc vào thời vụ kinh doanh cũng như quy mô và mức độ rủi ro của ngân hàng. 

Đáng chú ý, dù phần lớn các nhà băng đều đạt lợi nhuận khả quan nhưng hiệu quả khai thác nguồn vốn tại mỗi thành viên lại có sự phân hoá khá rõ rệt.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh khả quan, tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ bất chấp dịch bệnh.

Thống kê số liệu từ BCTC 9 tháng đầu năm của 28 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, Vietcombank vẫn đang dẫn đầu với mức lợi nhuận ghi nhận trong 9 tháng đầu năm lên tới 19.311 tỷ đồng.

Với mức lợi nhuận 17.098 tỷ đồng, Techcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai, bỏ xa một "ông lớn" khác là VietinBank với 13.911 tỷ đồng. MB ở vị trí thứ 4 với 11.885 tỷ đồng, vượt qua VPBank với 11.736 tỷ đồng. Dù lợi nhuận tăng trưởng hơn 52% trong kỳ lên 10.733 tỷ đồng, song "ông lớn" còn lại là BIDV vẫn xếp sau hai ngân hàng tư nhân trên.

Vị trí thứ 7 thuộc về ACB (8.968 tỷ đồng); thứ 8 là HDBank (6.084 tỷ đồng); thứ 9 là VIB (5.339 tỷ đồng) và thứ 10 là SHB (5.055 tỷ đồng).

“Soi” tỷ lệ ROE của Vietcombank, BIDV và Vietinbank

Đáng nói, dù 3 ngân hàng có vốn nhà nước là BIDV, Vietinbank và Vietcombank đang là những ngân hàng có tài sản và vốn chủ sở hữu “khủng” nhất nhì hệ thống, nhưng đây lại không phải là những ngân hàng có khả năng khai thác “tài nguyên” một cách hiệu quả nhất.

Top 10 ngân hàng có ROE lớn nhất 9 tháng đầu năm 2021 không có tên Vietcombank, BIDV và Vietinbank.  
Top 10 ngân hàng có ROE lớn nhất 9 tháng đầu năm 2021 không có tên Vietcombank, BIDV và Vietinbank.  
Cụ thể, tại quán quân lợi nhuận Vietcombank, tính đến 30/9/2021 tổng tài sản lên tới gần 1,4 triệu tỷ đồng – đứng thứ 3 toàn ngành. Tuy nhiên, tỷ lệ ROE tại Vietcombank đạt 15,2%, chỉ tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ 2020, nghĩa là ngân hàng đã kiếm lời được 15,2 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh.

Với mức này, ROE của Vietcombank vẫn xếp sau hàng loạt ngân hàng quy mô nhỏ khác như VIB (21,3%), ACB (18,4%), HDBank (18%), MSB(17,2%), TPBank (16,9%), MB (16,8%), Techcombank 16,8%), VPBank (16,3%), OCB, Nam A Bank (15,9%) và KienLongBank (15,6%).

Tương tự, ROE tại Vietinbank cũng không khả quan hơn Vietcombank là mấy khi ghi nhận 9 tháng đầu năm đạt 12,4%, tăng 2% so với cùng kỳ 2020, xếp sau cả LienVietPostBank (14,7%), SHB (14,9%), ABBank (13,5%),…Được biết, tổng tài sản tại Vietinbank đứng thứ 2 toàn ngành với hơn 1,44 triệu tỷ đồng.

Đáng nói, tính đến 30/9/2021 BIDV đang là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất ngành lên tới hơn 1,68  triệu tỷ đồng song tỷ lệ ROE lại ở nhóm thấp nhất, ghi nhận mức 10,4%, nghĩa là ngân hàng đã kiếm lời được 10,4 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, VIB hiện đứng đầu bảng với ROE đạt 21,3%, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng 32,7% so với cùng kỳ, đạt 4.272 tỷ đồng. Ngân hàng ACB đứng thứ 2 với ROE đạt 18,4%; tiếp đến là HDBank, MSB,…

Có thể thấy, ngân hàng có vốn hóa nhỏ hơn lại tăng trưởng đều liên tục và thậm chí là đột biến. Đơn cử như Kienlongbank có mức tăng ROE cao nhất so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận 9 tháng tăng vọt, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm trước. Hai nguồn thu chính giúp Kienlongbank đạt được kết quả này đến từ hoạt động cho vay và hoạt động dịch vụ. Qua đó, kéo ROE ngân hàng từ 3% tại thời điểm 9 tháng 2020 lên 15,6% cùng kỳ 2021.

Theo MBKE, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ sinh lợi cao với ROE trên 18% so với trung bình các ngân hàng trong khu vực là 12% bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch. Điều này là nhờ ROA cải thiện và được hỗ trợ bởi các quy định về vốn hợp lý.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ