Bức tranh trái chiều của môi giới bất động sản mùa dịch: Người bận rộn, kẻ thong dong
Giao dịch bất động sản (BĐS) gần như đình trệ tạm thời, tác động từ giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến hoạt động của môi giới trong ngành. Bên cạnh tâm lý lạc quan, một số môi giới không giấu nổi lo lắng trước tình hình này.
Gần như cả năm 2020 không làm ăn được gì, một phần do dịch bệnh, một phần vì công ty không có dự án lớn nào để phân phối, một nhân viên kinh doanh tại công ty BĐS có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh không giấu được lo lắng khi tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp hơn. Hỏi thăm về công việc những tuần gần đây. Nhân viên này cho biết, thời điểm đầu năm, công ty nhận được hợp đồng phân phối một dự án tại Đồng Nai. Theo kế hoạch thì sẽ mở bán vào tháng 6 nhưng buộc phải tạm ngưng vì dịch.
Tuy nhiên không vì thế mà anh lơ là việc liên hệ và tìm kiếm khách hàng. Bên cạnh việc đẩy mạnh các kênh online, anh cũng chủ động liên hệ zalo và điện thoại với khách nhằm duy trì quan hệ và tăng cơ hội giao dịch. Bản thân anh cũng nhận định rất khó để tìm thấy khách hàng có nhu cầu mua dự án vào thời điểm này. Không chỉ bởi vì không thể đi thực tế xem sản phẩm lúc này mà do diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhà cũng tạm hoãn kế hoạch chờ diễn biến dịch để cân đo lại bài toán chi tiêu. Số khác thì đợi thị trường khởi động trở lại mới tìm hiểu đầu tư. Vậy nên trong vài tuần qua, anh cũng không có thêm giao dịch nào khả quan. Điều anh lo lắng nhất là tình hình này có thể kéo dài đến hết tháng 6, vậy xem như cả tháng anh cũng không có thu nhập.
“Tính từ đầu năm đến nay cũng đã gần 6 tháng mà mất 4 tháng khó khăn vì dịch. Những môi giới có lương cứng còn chịu được, bên mình nhân viên chủ yếu thu nhập từ hoa hồng, lương chỉ tầm 3-4 triệu/tháng nay không có giao dịch nào thì rất lo lắng, không biết tình hình có kéo dài hết tháng 6 hay không”. Bên cạnh đó người này còn cho hay, đặc thù của ngành BĐS là khách hàng không tự tìm đến mà bản thân môi giới đều phải quảng bá sản phẩm để chào hàng và tìm kiếm người mua. Thường chạy dự án, chi phí quảng cáo, tiếp thị cá nhân cũng mất từ 15-20 triệu đồng/tháng. Nếu bán được hàng thì khấu hao được khoản này còn ngược lại thì xem như mất vốn. Vì dự án tính toán mở bán đầu tháng 6 nên trước đó 2 tháng nhiều môi giới đã phải chạy quảng cáo. Giờ hoãn lại, sau này mở bán sẽ phải chạy lại chi phí này từ đầu.
Trái với tình trạng bận rộn của nhân viên môi giới trên, một môi giới tự do tại huyện Hóc Môn dù cũng lâm cảnh “đóng băng” hoạt động gần 3 tuần nay, lại có tâm lý khá tích cực. Anh cho biết, anh sẽ xem thời điểm thị trường trầm lặng vì Covid-19 như một cơ hội để bản thân nghỉ ngơi và điều chỉnh lại. Là một môi giới nhà đất, anh gần như làm việc quanh năm, không hề có cuối tuần thậm chí nhiều khi tối khuya vẫn phải liên hệ tư vấn, giải quyết vấn đề cho khách hàng. “Cả năm bận rộn rồi, xem như đây mình đang có một kỳ nghỉ để bản thân được thảnh thơi vui vẻ bên gia đình, vợ con. Tiền không kiếm lúc này thì kiếm lúc khác”, người này chia sẻ.
Sở dĩ vị môi giới này có thể giữ tâm lý thoải mái khi đối mặt với thực trạng “thất nghiệp” của bản thân như trên, đều là do anh rất có niềm tin vào sự khôi phục của thị trường. Theo anh, do tình hình bất khả kháng nên nhu cầu giao dịch nhà đất khu vực Hóc Môn mới tạm thời trầm lắng, không phải do khách hàng hết quan tâm hay giá trị nhà đất tại đây hết hấp dẫn. Vậy nên khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động mua bán sẽ sớm sôi động trở lại. Lúc đó bản thanh anh cũng quay về làm bù lại những ngày thảnh thơi này.
“Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng toàn dân, với tình hình này thì có thể trong tháng 7 tới đây, dịch bệnh sẽ được kiểm soát ổn định. Nhà đầu tư đã không còn tâm lý bất an với dịch bệnh như giai đoạn đầu, thực tế cũng cho thấy nhu cầu mua bán BĐS đều tốt lên rất nhanh sau mỗi lần bùng phát dịch. Vậy nên tôi nghĩ không có gì phải quá lo lắng về thị trường”, anh chia sẻ.
Theo tìm hiểu, kể từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 gần đây,hầu hết các hoạt động mua bán, giao dịch BĐS tại các tỉnh thành phía Nam đều đã tạm hoãn lại. Nhiều doanh nghiệp BĐS cho nhân viên môi giới làm việc tại nhà, hạn chế không gặp khách hay dẫn khách đi xem dự án trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dù việc chào bán tập trung tạm hoãn nhưng các hoạt động quảng cáo trực tuyến, gửi các thông điệp truyền thông, tư vấn đến khách hàng vẫn được đẩy mạnh. Dù đang phải đối mặt khó khăn nhưng phần nhiều môi giới trong ngành đều có chung niềm tin, thị trường sẽ sớm phục hồi và hai quý cuối năm nay sẽ là thời điểm để “gỡ lại”. Chính vì vậy, năm nay sẽ khó diễn ra làn sóng môi giới nghỉ việc ồ ạt như năm 2020.
Nhìn nhận về tình hình thị trường hiện tại, một số chuyên gia nhận định, đợt bùng phát dịch lần này phức tạp và tầm ảnh hưởng rộng hơn so với các lần trước đó. Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà rất nhiều địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây đều chịu tác động. Năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của thị trường, của nghề môi giới BĐS. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang phải lên kịch bản dự trù cho trường hợp xấu khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường các quý tới đây.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu so với năm 2020 thì tác động tiêu cực của dịch lại không nhiều. Mặc dù dịch bệnh Covid–19 còn diễn biến phức tạp nhưng giới đầu tư đang rất lạc quan về tiềm năng của thị trường Việt Nam. Trong năm 2021, với những dấu hiệu tốt như xuất hiện vắc xin phòng ngừa dịch bệnh, cùng những thay đổi về luật và sự hỗ trợ của Chính phủ, sự phát triển hạ tầng sẽ kích thích nhu cầu nhà ở. Hiện nay nhiều chủ đầu tư tuy chuyển dịch hình thức làm việc online nhưng không ngừng chốt bán sản phẩm. Việc giao dịch không mạnh nhưng vẫn diễn biến âm thầm, mấu chốt của giao dịch thành công là làm sao khớp được nhu cầu mua của khách hàng với sản phẩm phân phối.