Căn hộ chung cư, những lưu ý để bảo vệ trẻ nhỏ

(CL&CS)-Hiện nay, nhiều dự án căn hộ chung cư xuất hiện và cũng là nơi phù hợp cho các gia đình trẻ muốn ổn định cuộc sống. Nhưng cần lưu ý những nguy hiểm tiềm ẩn nhất là với gia đình có con nhỏ. Việc trẻ em gặp tai nạn, sự cố ở các căn hộ đã không còn hiếm mặc dù đã có nhiều cảnh báo cho điều này. Người lớn cần quan tâm, lưu ý để ngăn chặn những rủi ro đáng tiếc.

 

Căn hộ chung cư, những lưu ý để bảo vệ trẻ nhỏ - Ảnh 1

Thiết kế ban công và cửa sổ đảm bảo độ an toàn

Ban công và cửa sổ là hai yếu tố khiến trẻ em bị ngã nhiều nhất, cho nên điều chỉnh lại ban công và cửa sổ chắc chắn là giải pháp cần được ưu tiên, lựa chọn thiết kế ban công, cửa sổ an toàn là điều cần thiết và không nên chủ quan.

Chiều cao lan can ít nhất là 1m4, đây là một khoảng cách an toàn và các thanh chắn nên được đặt theo chiều dọc tránh đặt theo chiều ngang vì trẻ em có thể dựa vào đó để trèo lên gây nguy hiểm, khoảng cách giữa các thanh chắn không được quá 10cm, khoảng trống quá lớn thì trẻ có thể rơi xuống. Nếu lan can chung cư không thể sửa được chiều cao thì cách tốt nhất là rào lưới xung quanh để tăng thêm tính an toàn.

Cửa sổ nên được thiết kế chiều cao ít nhất là 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, nếu có thể tăng chiều cao lớn hơn thì càng tốt, lắp thêm song chắn phù hợp, sử dụng kính cường lực và có khóa để trẻ em không thể tự mở được.

Trông chừng trẻ nhỏ ở những nơi nguy hiểm

Tất cả mọi nơi trong căn hộ đều có thể tiềm ẩn những nguy hiểm không lường trước được, vì thế không nên lơ là nhất là đối với những bé dưới 6 tuổi luôn phải có người lớn giám sát. Thực tế trẻ con luôn rất hiếu động chúng không thể ngồi yên một chổ mà hay có thói quen “tìm tòi” những nơi mới mẻ.

Khi trẻ em bắt đầu có nhận thức và hiểu chuyện các bậc phụ huynh nên giáo dục, hướng dẫn cho trẻ biết những khu vực không nên chơi đùa như sân thượng, thay máy, tầng hầm, ban công,… đây là những nơi nguy hiểm ít người, không có rào chắn, tường bao thấp. Trong khi trẻ con thường thích lựa chọn những nơi này để chơi đùa.

Cầu thang bộ hay cầu thang thoát hiểm cũng là nơi đáng lưu ý vì nằm ở vị trí khuất trẻ em thường hay chạy nhảy ở đó và có các hành động nguy hiểm như ngồi trên lan can và ngó đầu nhìn xuống. Đối với những căn hộ có hồ bơi thì không nên cho trẻ em lại gần tránh gặp trường hợp đuối nước.

Hầm gửi xe là khu vực có nhiều xe cộ ra vào dốc hầm cao không nên cho trẻ em chạy giỡn trong tầng hầm dễ xảy ra tai nạn xe. Tầng hầm vừa kín vừa ồn do có các đường dẫn thoát nước nếu ở lâu trong hầm sẽ gây cảm giác khó chịu, chóng mặt nhất là khi trời nóng hạn chế tối đa cho trẻ em xuống khu vực này.

Cảnh báo cho trẻ biết những khu vực nguy hiểm không nên đến, hướng dẫn cho các bé cách xem các biển báo trong tòa nhà để bé có thể biết được đâu là khu vực có điện, đâu là khu vực dễ cháy nổ. Các bậc phụ huynh cũng nên tham gia các lớp kỹ năng sống ở chung cư để biết thêm các biện pháp phòng tránh và xử lý khi có sự cố.

Giám sát trẻ mọi lúc mọi nơi, cho dù công việc bận rộn thì cũng không được lơ là an toàn của trẻ, nếu không thể trực tiếp trông trẻ thì tốt nhất nên nhờ người thân, người quen có thể tin tưởng trông hộ hoặc thuê người trông trẻ. Nên lắp camera theo dõi các hoạt động của trẻ để tăng độ an tâm.

Không nên cho trẻ đi thang máy một mình

Đi tháng máy mỗi ngày là việc không thể tránh khi sống ở căn hộ cao tầng. Sử dụng thang máy với người lớn thì không có vấn đề gì đang lo ngại nhưng với trẻ em lại là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi vì trẻ rất hiếu động và chưa đủ các kỹ năng đi tháng máy hay nhận biết các tình huống nguy hiểm,  không được cho trẻ em tự ý ra vào thang máy một mình hay tự điều khiển công tắc vì có thể gặp chấn thương như kẹt tay, vấp ngã, chóng mặt hoặc đi lạc. Quan trọng khi các sự cố hỏng thang máy hay rơi thang máy có thể xảy ra mà không lường trước được.

Thang máy được xem là sản phẩm công nghệ tương đối phức tạp, đối với những gia đình sống ở tầng cao nên trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức cần thiết về thang máy. Tốt nhất là nên đi thang máy cùng trẻ để tránh những sự cố không may xảy ra.

Thang máy là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ em  
Thang máy là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ em  

Chọn tầng cao phù hợp

Nên chọn tầng cao phù hợp tốt nhất là trong khoảng từ tầng 8 đến tầng 16 đây là những tầng có độ cao lý tưởng không quá thấp cũng không quá cao, vừa tránh ô nhiễm khói bụi, không khí trong lành vừa dễ dàng di chuyển đặc biệt trong các trường hợp nguy hiểm xảy ra như cháy nổ, mất điện, hỏa hoạn,...

Những điều cần lưu ý

Chỉ bảo thật kỹ các nguyên tắc, kỹ năng sống cho trẻ. Khi ra ban công nên đóng cửa lại, không nên cho trẻ ra cùng để không tạo cho trẻ thói quen chơi ở ban công.

Trong phòng ngủ của trẻ tuyệt đối không để những vật dụng sắt nhọn, các vật có thể gây va chạm mạnh hoặc vật dụng dễ vỡ như bàn kính, tủ kính, ly thủy tinh,… có thể gây vết thương. Cửa sổ hoặc ban công trong phòng phải được đóng và khóa lại cẩn thận. Đảm bảo trong phòng không có các loại dây nhợ nào gây nguy hiểm, các ổ cấm điện điều phải được lắp thiết bị bảo vệ hoặc được lắp cao hơn tầm với của trẻ.

Gia đình sống ở chung cư tầng cao có con nhỏ nên lưu ý kỹ những điều này để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Theo Chất lượng và Cuộc sống