Cần tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội
Giới chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện tại của thị trường bất động sản không chỉ nằm ở nguồn vốn mà còn nằm ở pháp lý. Khi cung – cầu phân khúc bất động sản đang mất cân đối trầm trọng thì việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường là cần thiết, để khơi thông dòng chảy cho phân khúc nhà ở xã hội (NOXH), giải quyết nguồn cung cho đối tượng có thu nhập thấp.
Nhiều bất cập trong thủ tục để triển khai NOXH
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện gặp nhiều vướng mắc về pháp lý. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Để hoàn tất thủ tục này, doanh nghiệp mất 1-2 năm.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, những thủ tục để xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn thực hiện như với nhà ở thương mại. Các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi... là không thực chất, vì chủ đầu tư không được hưởng mà người dân được hưởng. Lý do là theo quy định, doanh nghiệp không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Những điều này khiến chủ đầu tư không mặn mà.
Không chỉ khó khăn về thủ tục hành chính mà vấn đề hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng không có. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành cho hay, không có ngân hàng nào có quy trình cho vay riêng với dự án nhà ở xã hội. "Chúng tôi phải vay như lãi suất thương mại bình thường. NHNN quy định, hệ số rủi ro với khoản vay nhà ở xã hội chỉ 50% trong khi hệ số này áp dụng với dự án nhà ở thương mại lên tới 250%, chênh lệch lớn như vậy tại sao ngân hàng thương mại không giảm lãi suất cho chúng tôi?", ông nói.
Ông Nghĩa cho biết: “Hiện nay, chúng tôi phải vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm. Với mức lãi vay này, làm sao có thể khiến giá nhà ở xã hội giảm xuống?”
Trả lời báo giới tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 diễn ra chiều tối 3/1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về tình trạng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay.
Theo ông Sinh, nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không ít doanh nghiệp có "đốc" nhưng cũng không được cấp phép xây dựng và phải chờ đợi rất lâu.
Tại Nghị định 49, Chính phủ đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Theo đó, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước.
Bước một, chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.
Bước hai, thực hiện các dự án đầu tư.
Bước ba, liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Nhiều kiến nghị khơi thông thị trường bất động sản
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cũng thừa nhận việc xây nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Ông lo ngại khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội càng hạn chế.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động đề nghị sửa đổi một số nội dung tại Luật Nhà ở. Trong đó, ông đề xuất bổ sung nội dung đối với UBND tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách, có thể dành một phần để làm nhà ở xã hội.
Hiện nay, Luật Đất đai quy định miễn tiền sử dụng đất với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu quy định trường hợp đất đã giải phóng mặt bằng cần phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, ông đề xuất sửa đổi các luật liên quan theo hướng "thống nhất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà không áp dụng việc đấu giá lựa chọn nhà đầu tư" để hạn chế các thủ tục rườm rà, bất cập.
Giám đốc Công ty Lê Thành kiến nghị các cơ quan ban hành quy trình riêng về thủ tục xin dự án nhà ở xã hội, thông thoáng, đặc thù, đột phá; đồng thời có một tiêu chuẩn riêng để thiết kế nhà ở xã hội.
Về chỉ tiêu dân số tại TP HCM, ông Nghĩa cho rằng đồ án quy hoạch hiện nay không còn phù hợp về dân số nên việc xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ hiện nay gặp khó khăn về chỉ tiêu dân số. Cơ quan nhà nước cần nhìn nhận dự án nhà ở xã hội "không làm tăng dân số thành phố mà chỉ dịch chuyển dân từ trung tâm nội thành ra ngoại thành đúng chiến lược của thành phố".
Ông cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ có thêm chính sách hỗ trợ người dân thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội được tiếp cận gói vốn vay ở Ngân hàng chính sách xã hội với điều kiện vay, lãi suất vay, thời gian vay hợp lý, phù hợp thực tiễn. Khi người dân bán lại nhà ở xã hội sau 5 năm, ông đề nghị cho người dân miễn nộp lại tiền sử dụng đất vì quy định này phức tạp tại thời điểm bán, và tăng tính hấp dẫn đối với loại hình nhà ở này.
Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Kiến nghị này được gửi đi trước thềm Hội nghị về thị trường bất động sản, dự kiến tổ chức vào ngày 17/2 tới đây.
Trong đó, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi.
Đối với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.