Chưa phá băng bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng chưa thể hồi phục

Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án chưa thể khởi công hoặc tạm dừng thi công do các doanh nghiệp bất động sản vướng mắc pháp lý, mất cân đối về dòng tiền, chậm thanh toán… đã tác động không nhỏ đến hệ sinh thái toàn ngành trong đó ngành vật liệu xây dựng cũng điêu đứng theo.

Doanh nghiệp than khó

Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giải cứu, khắc phục khó khăn của thị trường bất động sản nhưng các chính sách này thường có độ trễ, chưa thể triển khai ngay. Chưa kể, việc cấp thủ tục đáp ứng các điều kiện cũng còn nhiều phức tạp, phương án rà soát, thanh tra tại nhiều dự án cũng chưa thể đánh giá trong “một sớm một chiều”. Vì thế, về cơ bản thị trường vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn.

Bất động sản tắc, kéo theo loạt doanh nghiệp thuộc nhóm phụ trợ cũng điêu đứng. Với nhóm ngành vật liệu xây dựng như: xi măng, sắt thép, bê tông, gốm sứ xây dựng, gạch ceramic… cũng đang lâm vào cảnh khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng” khi kỳ vọng vào đầu tư công vẫn chưa khởi sắc, các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa được khơi thông.

Chưa phá băng bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng chưa thể hồi phục - Ảnh 1

Đầu tư công vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển, nhưng hiện giải ngân cũng rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Đại diện của một doanh nghiệp thép cho biết, do thị trường bất động sản “hãm phanh” các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng cũng eo hẹp đầu ra. Để bù đắp doanh thu, công ty buộc phải chuyển hướng tìm kiếm các đơn hàng mới trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hướng vào các dự án đầu tư công…. để duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Không chỉ thép, các công ty sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng về gạch ngói cũng đang “thoi thóp”. Đơn cử như tại Bình Phước, hiện đang có 35 cơ sở sản xuất gạch nung nhưng thời điểm hiện tại gần như đang “đóng băng”, tạm ngưng hoặc hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động vì cung vượt cầu.

Còn đối với ngành xi măng, theo số liệu ước tính, trong 5 tháng kể từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp xi măng mới xuất bán được 13,65 triệu tấn, trị giá 590 triệu USD, giảm lần lượt 12% và 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sau năm 2022 tiêu thụ không khả quan, các chỉ tiêu sản xuất, bán hàng, lợi nhuận đều sa sút, lúc này, hầu hết các doanh nghiệp xi măng đều rất sốt ruột với tình hình bán hàng.

Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Xi măng The Vissai xác nhận: “Chưa bao giờ bán hàng mệt như lúc này. Tiêu thụ trong tháng 5 sụt giảm 30% so với tháng 4 và tháng 6 này tiếp tục đối diện với khó khăn, nhất là nhiều địa phương phía Bắc đang bước vào mùa thu hoạch nông sản, nên nhu cầu tiêu thụ xi măng rất thấp. Xuất khẩu cũng giảm theo đà giảm chung của các ngành hàng”.

Số lượng công trình khởi công mới rất hạn chế, các dự án bất động sản chưa thực sự khởi sắc khiến sức tiêu thụ xi măng tại nhiều địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, vốn đã dư thừa sản lượng, nay càng trầm lắng.

Đứng trước thực trạng thị trường vật liệu xây dựng “đóng băng”, các chủ cơ sở sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng như “ngồi trên ghế nóng”, loay hoay tìm nhiều giải pháp để bám trụ. Trong đó, trước mắt làm sao tạo việc làm, giữ chân người lao động. Và chỉ khi các công trình xây dựng hoạt động sôi động trở lại thì mới cứu được ngành cung ứng vật liệu xây dựng trong bối cảnh hiện nay.

Làm thế nào để khơi thông dây chuyền?

Những biểu hiện thực tế từ các ngành nghề trong thị trường cho thấy vai trò quan trọng của ngành bất động sản – một trong những đầu tàu của nền kinh tế. Khi bất động sản chững lại, chuỗi cung ứng liên quan đến ngành này cũng phải “phanh gấp” dẫn đến tình trạng “hụt hơi”, “thở dốc” nhiều đơn vị buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS không chỉ là câu chuyện của BĐS mà còn tạo tiền để để cả chuỗi ngành phụ trợ có được cơ hội phát triển.

Đề cập đến giải pháp giải quyết khó khăn chung của thị trường bất động sản cũng như vật liệu xây dựng, giới chuyên gia và nhóm doanh nghiệp cho rằng, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công và "phá băng" bất động sản là hai giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho thị trường vật liệu xây dựng hiện nay.

Cần phải thúc đẩy đầu tư công và phá băng thị trường bất động sản  
Cần phải thúc đẩy đầu tư công và phá băng thị trường bất động sản  

Ông Lương Đức Long - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ximăng Việt Nam cho rằng: giải pháp hiện nay là cần tăng cường xây dựng nhà ở (nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân), khu đô thị; tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm.

Đại diện Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cũng kiến nghị cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95-100% của kế hoạch năm 2023. Trong đó Nhà nước cần chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để dân được vay vốn kịp thời.

Các đơn vị cũng cho rằng: Mặc dù nhiều ngân hàng đã triển khai cung cấp các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính nhưng không nhiều doanh nghiệp mặn mà vì những gói vay hỗ trợ còn khó tiếp cận, lượng vốn giải ngân ít, thời gian ngắn khi thời hạn tối đa 12 tháng.

Ngoài ra, một số ý kiến của các hội cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách, hỗ trợ giải tỏa các vướng mắc về mặt pháp lý triển khai dự án, khơi thông nguồn vốn; xây dựng cơ chế, luật pháp rõ ràng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu trước tình trạng bị chiếm dụng vốn của chủ đầu tư.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển