Chuyên gia dự báo: Lạm phát chưa đạt đỉnh, năm 2023 sẽ cao hơn cả năm nay

Chuyên gia dự báo, năm nay lạm phát có thể ở mức 4% nhưng lạm phát năm tới có để từ 4 -4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao.

Lạm phát chưa đạt đỉnh?

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, lạm phát của Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh và sẽ tăng từ nay đến cuối năm vì chúng ta có độ trễ, thậm chí sang năm 2023 lạm phát sẽ còn cao hơn năm nay.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt, những nguyên nhân khiến lạm phát của Việt Nam thấp hơn thế giới nhờ rổ hàng hoá tính CPI, điều hành bình ổn giá xăng dầu và chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Dự báo lạm phát năm 2023 sẽ cao hơn cả năm nay.
Dự báo lạm phát năm 2023 sẽ cao hơn cả năm nay.

Về tình hình lạm phát trên thế giới, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, đỉnh lạm phát sẽ tuỳ vào khu vực nhưng đa số là ở chiều hướng đã qua đỉnh. Châu Âu thì hơi khác, lạm phát tại khu vực này sẽ còn tăng, đặc biệt là do cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt, còn với Mỹ, giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm đã bắt đầu giảm nhưng một số chi phí khác vẫn còn tăng.

Vị chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay được dự đoán có thể đạt 7,5% nhưng năm tới chỉ ở mức 6,5%. Năm nay lạm phát có thể ở mức 4% nhưng lạm phát năm tới có để từ 4 -4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao. Năm tới, kinh tế thế giới toàn cầu chắc sẽ khó khăn hơn, điều này tác động đến xuất khẩu, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, lạm phát năm sau sẽ cao hơn năm nay. Do đó, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam và sẽ không có chuyện hy sinh kiểm soát lạm phát để đổi lấy mục tiêu tăng trưởng. 

Giữ lạm phát dưới 4%, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra ngày 19/9, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho biết, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ, là rất phức tạp, khó khăn thách thức. Nhà hoạch định chính sách đứng trước cả hai nguy cơ: lạm phát và suy thoái.

Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Thành, lựa chọn này có cơ sở là cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ.

Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa khi ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định. Kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách tám tháng đầu năm tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.

TS.Võ Trí Thành
TS.Võ Trí Thành

Về chính sách tiền tệ, con số tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt, tỷ lệ tín dụng trên GDP là 124%, mức rất rủi ro, nhưng các hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng vốn để đảm bảo an toàn.

Đồng thời, cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam. Kịch bản thấp kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7 - 7,5%, khả năng lạm phát cả năm khoảng 2,9 - 3,2%. Ở mức cao tăng trưởng đạt mức 7,8 - 8,5% thì lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,3 - 3,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 8 tháng năm 2022 tăng 1,64% so với cùng kỳ.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu ổn định như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7 - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 2,9 - 3,2%.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm.

Ngoài ra, kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống