Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (26/7): HCM, PVT và TCB
Yuanta cho rằng, HCM là công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh ổn định trong quý II, dù đây là giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn, cho thấy khả năng tạo giá trị bất chấp xu hướng giảm chung. Trong thời gian tới, Yuanta giữ quan điểm tích cực đối với HCM, cũng như ngành chứng khoán do tiềm lực cơ bản của ngành rất khả quan và định giá đã quay trở về vùng hợp lý so với mức đỉnh quý IV/2021.
Yuanta: Khuyến nghị mua cho cổ phiếu HCM
Quý II, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, HoSE: HCM) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định dù thị trường đi xuống. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 280 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận chững lại trong bối cảnh nghiệp vụ môi giới và nghiệp vụ cho vay ký quỹ giảm, được bù đắp bởi sự gia tăng của nghiệp vụ tư vấn tài chính – và cả nghiệp vụ tự doanh. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá đấy có thể là một điều bất ngờ, và HCM hiện đã hoàn thành 43% dự báo lợi nhuận của công ty chứng khoán này.
Trong quý II, thu nhập ròng từ nghiệp vụ môi giới đạt 87 tỷ đồng (giảm 35% cùng kỳ). Yuanta ước tính phí môi giới gộp của HCM là 18 điểm cơ bản (đi ngang so với quý trước/tăng 1 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và phí môi giới ròng là 7 điểm cơ bản (đi ngang so với quý trước/giảm 1 điểm cơ bản so với cùng kỳ).
Kết quả này được ước tính dựa trên dữ liệu khối lượng giao dịch giảm mạnh và dữ liệu thị phần của HCM trên HSX (5,6%), HNX (3,4%) và UPCom (2,8%) vào quý II do các sàn giao dịch công bố.
Tiếp đó, HCM ghi nhận lãi ròng từ giao dịch tự doanh đạt 92 tỷ đồng, tăng 19% so với quý II/2021, phần lớn lợi nhuận đến từ chênh lệch định giá lại tài sản tài chính. Kết quả này gây bất ngờ trong bối cảnh thị trường giảm vào quý II, và giúp xác nhận quan điểm không đánh cược theo xu hướng thị trường của ban lãnh đạo.
Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HCM, dựa trên quan điểm tích cực đối với ngành chứng khoán, do tiềm lực cơ bản của ngành rất khả quan và định giá đã quay trở về vùng hợp lý so với mức đỉnh quý IV/2021.
Hoạt động kinh doanh ổn định của HCM trong bối cảnh thị trường đi xuống vào quý II cho thấy đây là công ty giúp tạo giá trị bất chấp xu hướng giảm của thị trường. Yuanta kỳ vọng HCM sẽ mang lại mức sinh lời trong 12 tháng là 23% cho các cổ đông, tương ứng giá mục tiêu 29.957 đồng/cổ phiếu.
PHS: Khuyến nghị mua PVT với giá mục tiêu 32.000 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí, là một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. PVT được thành lập năm 2002 và sớm trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển của Việt Nam và có uy tín trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, công ty đang vận hành đội tàu khoảng 37 tàu với trọng tải hơn 1 triệu DWT để vận chuyển xăng dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và đặc biệt là dầu thô. PVT được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM ngày 27/11/2007.
Năm 2022, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của PVT sẽ đạt 9.200 tỷ đồng (tăng 24% so với năm trước) khi nhu cầu vận chuyển dầu thô, xăng dầu và hóa chất tiếp tục đà tăng theo sự phục hồi nhanh chóng của mức tiêu thụ các sản phẩm trên và sự hỗn loạn của ngành vận tải hàng hải trên toàn cầu giữa lúc căng thẳng ở Đông Âu hiện nay ngày càng nghiêm trọng.
Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của PVT có thể đạt 1.000 tỷ đồng (tăng 19% cùng kỳ). Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động sẽ giảm do giá nhiên liệu sẽ tăng mạnh trong năm. Do đó, PHS ước tính biên lợi nhuận mảng vận tải sẽ giảm 2 điểm phần trăm cùng kỳ xuống 15% vào năm 2022.
PHS cho rằng yếu tố có lợi cho PVT bao gồm cước phí vận tải dầu tăng vọt trên toàn cầu trong bối cảnh xung đột vũ trang kéo dài ở Đông Âu và sự gia tăng của phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh cùng với tình trạng thiếu tàu do sự thay đổi trật tự các dòng chảy dầu và khí đốt của Nga (châu Âu sang châu Á). Tình hình này, theo PHS sẽ còn leo thang trong những tháng tới khi cái lạnh của mùa đông kéo đến các quốc gia phương Tây.
Bên cạnh đó, cước phí cao sẽ củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của PVT trên các tuyến vận tải quốc tế. PVT đang nhanh chóng mở rộng đội tàu để không chỉ nắm bắt được sự gia tăng mạnh nhu cầu quốc tế mà còn cả trong nước. Với vị thế dẫn đầu thị trường nội địa, công ty được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ nhiều dự án dầu khí quan trọng sắp đi vào hoạt động, đặc biệt là LNG Thị Vải vào năm 2022 và nhà máy lọc dầu Long Sơn năm 2023.
PVT cũng thực hiện kế hoạch trẻ hóa đội tàu đầy tham vọng, nhằm nâng cao biên lợi nhuận hoạt động và đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của công ty trong dài hạn.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 32.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 68% giá thị trường hiện nay. Từ đó, PHS khuyến nghị mua cho cổ phiếu PVT.
BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với TCB
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 11.036 tỷ đồng (tăng 20% cùng kỳ năm ngoái) và 5.800 tỷ đồng (tăng 23% cùng kỳ).
Trong quý, tín dụng dịch chuyển từ trái phiếu doanh nghiệp sang cho vay mua nhà, với cho vay khách hàng của TCB tăng 12,8% so với đầu năm, tương ứng với mức tăng so với cuối quý I là 7,1%. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cấp thêm hạn mức tín dụng mới, TCB đã giảm mạnh giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp từ 76.800 tỷ cuối quý I xuống còn 49.300 tỷ để có hạn mức tín dụng cho cho vay khách hàng.
Các chỉ tiêu về chất lượng tài sản giao động quanh mức của quý I và vẫn ở mức tích cực như: NPL ở mức 0,6%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 172%; số ngày phải thu ở mức 70 ngày và tỷ lệ nợ tái cơ cấu ở mức 0,1% trên tổng dư nợ.
Tăng trưởng huy động tiếp tục chậm so với tăng trưởng tín dụng trong quý II, khi tăng trưởng huy động đạt 3% so với đầu năm, tương ứng với mức giảm 0,8% so với quý I và tiếp tục chậm hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là 7,6% so với đầu năm.
Trong quý II, biên lãi ròng (NIM) của TCB đạt mức 5,3%, giảm 48 điểm cơ bản so với quý liền kề và 50 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Sự sụt giảm của NIM chủ yếu đến từ lợi suất sinh lời trên tài sản giảm 41 điểm cơ bản so với quý liền kề và 48 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu nhập phí dịch vụ tăng trưởng mạnh, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ đạt mức 2.077 tỷ đồng (tăng 42,6% so với quý II/2021).
Tại báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) giữ quan điểm lạc quan cho TCB vì đây là ngân hàng đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm với mức tăng trưởng kép 10 năm qua là 19%/năm.
Cùng với đó TCB là ngân hàng có văn hóa đổi mới sáng tạo và là ngân hàng tiên phong trong việc tạo ra nhiều dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. TCB cũng là ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao với ROA cao nhất hệ thống và ROE bình quân 5 năm gần đây lên tới 21,3% trong khi đòn bẩy tài chính thấp nhất trong hệ thống ở mức 6,1 lần.
Do đó, BVSC khuyến nghị từ khả quan đối với TCB với mức giá mục tiêu là 46.700 đồng/cổ phiếu (cao hơn 27% so với mức giá đóng cửa ngày 25/7), tương đương với mức P/B 2022 là 1,47 lần.