Có thể lên quận vào năm 2023, giá đất huyện Gia Lâm tăng kỷ lục
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội – Vương Đình Huệ nhận định, với đà phát triển tích cực trong những năm gần đây, viễn cảnh huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023 là điều hoàn toàn khả thi.
Gia Lâm còn thiếu những tiêu chí nào, liệu có thể lên quận vào năm 2023?
Huyện Gia Lâm nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh; phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Hưng Yên; phía Tây giáp quận Long Biên và quận Hoàng Mai; phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Đông Anh. Diện tích: 114,79 km2. Dân số: khoảng 227.600 người (năm 2009). Trong những năm gần đây Gia Lâm đang có những sự bứt phá nhất định về hạ tầng, kinh tế – xã hội với mục tiêu sẽ trở thành một quận trực thuộc TP Hà Nội trong những năm tới.
Mới đây, ngày 5/3, tại buổi làm việc báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, 2 tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021-2025, ông Vương Đình Huệ – Bí thư Thành Ủy Hà Nội cho rằng với những sự phát triển không ngừng của Gia Lâm trong những năm qua, việc huyện này trở thành quận có thể sẽ diễn ra vào năm 2023 tới. Cụ thể, đối với các tiêu chí xây dựng huyện lên quận, Gia Lâm đã đạt 24/27 tiêu chí. Ba tiêu chí chưa đạt gồm cân đối thu chi ngân sách (đến năm 2020 đạt 77%), cơ sở y tế cấp đô thị (hiện đạt 1,02 giường/vạn dân, tiêu chuẩn là từ 2,4 giường trở lên/vạn dân) và mật độ đường giao thông đô thị (hiện đạt 9,34km/km2, tiêu chuẩn là từ 10km trở lên/km2).
Trên cơ sở nhanh chóng hoàn thành 3 tiêu chí chưa đạt trên để sớm đủ tiêu chí lên quận, huyện Gia Lâm đã kiến nghị Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên. Đồng thời rà soát, điều chỉnh một loạt quy hoạch chuyên ngành. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng (R5), Sông Đuống (R6). Ngoài ra việc thực hiện các dự án hạ tầng và giao thông trên địa bàn như xây dựng trường học ở xã Yên Viên và xã Dương Xá hay đầu tư cải tạo, mở rộng Bệnh viện huyện Gia Lâm với quy mô 200 giường bệnh…
Cụ thể, đối với tiêu chí thứ nhất là tự cân đối được ngân sách. Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đang xin cơ chế của Thành phố theo hình thức để cho huyện được thu thuế của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Nếu được cơ chế này thì huyện có thể tự cân đối được ngân sách.
Đối với tiêu chí thứ hai là cơ sở y tế cấp đô thị. Đối với tiêu chí này, muốn thành quận thì huyện phải đạt 2,4 giường bệnh/ 1.000 dân trở lên. Huyện Gia Lâm hiện đang đạt 1,93 giường bệnh/ 1.000 dân. Tiêu chí này có thể hoàn thành được trong giai đoạn tới khi Bệnh viện quốc tế Vinmec quy mô 1.000 giường bệnh sẽ được đầu tư xây dựng trong khu đô thị Vincity Ocean Park thời gian tới, đồng thời huyện cũng sẽ đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa Gia Lâm.
Tiêu chí cuối cùng là mật độ đường giao thông đô thị trên 10 km2. Được biết đây là tiêu chí và huyện Gia Lâm đang gặp nhiều khó khăn nhất. Để hoàn thành tiêu chí này, huyện đã đề xuất 43 dự án, tổng chiều dài 81,2 km, tổng nhu cầu vốn 6.872,6 tỷ đồng. Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã triển khai 306 dự án với tổng kinh phí 5.506 tỷ đồng. Về hạ tầng, huyện đã đầu tư nâng cấp 190,5 km đường liên thôn, đường giao thông trục chính, trục thôn. Cùng với việc đầu tư 411,8 km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao, huyện Gia Lâm hiện đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.
Giá đất Gia Lâm tăng kỷ lục trước thông tin lên quận
Kể từ thời điểm giữa năm 2020, Gia Lâm được coi là một trong những thị trường bất động sản sôi động của cả nước khi giá đất nơi này tăng bình quân khoảng từ 10 – 15% với các khu vực có các dự án lớn, giá nhà đất còn tăng tới 30% so với thời điểm đầu năm 2019.
Theo khảo sát, giá nhà đất hiện tại của huyện Gia Lâm dao động trong khoảng từ 15 – 60 triệu đồng/m2, tùy theo từng khu vực cũng như vị trí thì khi đem so sánh với các nơi khác trong vòng cách đây 1 – 2 năm là 10 – 30 triệu đồng/ m2. Đối với phân khúc đất nền, đặc biệt tại những điểm hút nhà đầu tư như Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá hay Trâu Quỳ giá đất giao động từ 50 – 60 triệu đồng/ m2. Thậm chí còn có một số dự án bất động sản cao cấp rao bán trong khoảng từ 100 – 150 triệu đồng/ m2.
Ngoài ra, giá đất nông nghiệp tại Gia Lâm cũng ở mức khá cao kể từ khi có thông tin sắp lên quận, trung bình từ 3-4 triệu đồng/m2. Theo tìm hiểu, một mảnh đất nông nghiệp đang hoàn thiện pháp lý để được cấp sổ đỏ có diện tích 90m2 ở Yên Viên, Cầu Đuống, gần Gia Lâm được rao với 25 triệu đồng/m2. Hay như một lô đất nằm trên mặt đường quốc lộ 5A, sát bên cạnh khu công nghiệp Phú Thị xã Dương Xá có diện tích khoảng 30.000m2 được chào bán với giá 3,5 triệu đồng/m2.
Trước bối đó, nhiều chuyên gia nhận định việc giá nhà đất huyện Gia Lâm tăng mạnh trước thông tin lên quận cũng là điều dễ hiểu và chấp nhận được. Bên cạnh đó, khu vực Gia Lâm đang nhận rất nhiều dự án bất động sản “khủng”, từ đó sẽ là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển bất động sản trong tương lai. So với mặt bằng chung của thị trường bất động sản, khu vực đất ở tại Gia Lâm tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, song mức tăng hiện nay chưa có dấu hiệu sốt ảo hoặc tạo thành bong bóng bất động sản. Nên việc đầu tư là có tiềm năng.