“Sốt đất” hạ nhiệt, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo
Thị trường bất động sản những tháng đầu năm đã chứng kiến giá đất "nhảy múa" tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều nơi tăng mạnh lên đến 200%. Để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hạn chế đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có động thái 'phanh' hoạt động cho vay để kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường. Thị trường bắt đầu xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ khi “sốt đất” hạ nhiệt.
Giá đất đang dần ‘hạ sốt’?
Thị trường bất động sản sôi động trở lại từ cuối năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 800 sàn giao dịch đã hoạt động trở lại, tăng gấp đôi so với quý 4.2021. Đáng chú ý, các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt thay đổi phương án kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đã ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.
Thực tế, “cơn sốt đất” thời gian qua đã khiến mặt bằng giá nhà, đất tại nhiều địa phương tăng chóng mặt. Trong đó, hầu hết là do sự tham gia thị trường của lực lượng nhà đầu tư F0 với kì vọng lướt sóng, kiếm lời nhanh, đến khi hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư cũng lâm vào cảnh lao đao.
Số liệu của Batdongsan.com.vn chỉ ra, trong quý đầu tiên của năm 2022, thị trường liên tục ghi nhận giá đất nền thổ cư tăng mạnh tại nhiều địa phương kèm theo nhu cầu giao dịch gia tăng. Đơn cử như tại khu vực phía Bắc, giá đất liền thổ của các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai của Hà Nội, ghi nhận tăng 20-26%. Trong khi ở Bắc Giang, giá đất thổ cư tăng 35%, Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất tăng từ 16-20%, còn Hải Phòng tăng 29%.
Đặc biệt, nhiều địa phương đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa, đồng thời có biện pháp kiểm soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Do đó, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương cũng đã hạ nhiệt và dần ổn định trở lại.
Nhà đầu tư đua nhau bán tháo
Nhiều chuyên gia đánh giá việc ‘siết' cơ chế chính sách , tín dụng và ảnh hưởng một phần của dịch bệnh đã khiến thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn khó khăn. Do vậy, một số nhà đầu tư không trường vốn hoặc dùng đòn bẩy tài chính sẽ buộc phải nhả hàng ra, ôm hàng lâu sẽ dễ mất giá, sốt ruột muốn bán để giữ an toàn dòng vốn.
Hơn nữa, giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương và khi trải qua nhiều cơn sốt đất liên tục khiến nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định rót vốn. Tất cả động thái này đã phần nào có tác động, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương bắt đầu hạ nhiệt và dần ổn định trở lại.
Điều đáng nói, nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính để kiếm lợi theo độ nóng của thị trường. Đến khi cơn sốt đất qua đi họ buộc phải bán tháo, thoát hàng nhanh chóng giữa vòng xoáy giảm nhiệt của thị trường nhà đất. Bên cạnh đó, các ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường.
Một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết, trước khi quyết định xuống tiền mua đất, người mua nên so sánh, phân tích và nghiên cứu mặt bằng giá với các khu vực tương tự hoặc giá các năm trước bởi lẽ, nếu mức tăng của khu đất ấy là 50%, 100% thậm chí hơn trong vòng một thời gian ngắn thì có thể đó là giá ảo, không đúng với giá trị thực của khu đất ấy.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cảnh báo, hiện tại có hiện tượng các đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương lợi dụng thông tin từ các cuộc họp về quy hoạch đất đai để trục lợi, loan tin “vịt” làm thị trường nóng lên, giá đất tăng, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
“HoREA đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn liều, nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm “đầu nậu”, thổi giá đất bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định Mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang”, ông Châu nhấn mạnh.