Đã đến lúc doanh nghiệp cần giảm giá bất động sản

Thị trường bất động sản gần như “đóng băng” khi số lượng căn hộ mở bán, lượng giao dịch tụt dốc và giá bán hạ nhiệt. Tuy nhiên, nhiều phân khúc giá vẫn còn neo cao, với mức vượt quá tầm tay của người có nhu cầu ở thực.

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Thủ tướng cho rằng, giá bất động sản lúc này vẫn tăng như bình thường sẽ không tốt cho thị trường, nên giảm giá để quản lý tốt hơn. Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp phải hết sức cầu thị, thực hiện theo kinh nghiệm cha ông là "thà bán lỗ để cắt lỗ" còn hơn càng đeo theo, càng lỗ to dẫn đến "mất vốn, sập tiệm".

Cần giảm giá để hút dòng tiền từ nhân dân

Thời gian gần đây, thị trường Bất động sản gần như đóng băng, nhiều dự án tạm hoãn lịch bán, lượng giao dịch gần như không có, thanh khoản ở các phân khúc sụt giảm mạnh, doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, ghi nhận tại thị trường, ở nhiều phân khúc bất động sản giá vẫn neo ở mức cao, xa với nhu cầu ở thực của người dân. Điều này khiến cho thị trường ngày càng khó khăn hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Liên quan về vấn đề này, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo cụ thể để giải quyết tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản.

Theo đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng trước buổi làm việc, TP.HCM cũng nhận định tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản hiện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý chung thị trường, của doanh nghiệp, nhân dân, dự báo có thể kéo dài.

Thủ tưởng Phạm Minh Chính nói: Giá bất động sản trong lúc này vẫn neo như bình thường sẽ không tốt cho thị trường, nên giảm giá tương đối một chút, quản lý nhà nước chặt chẽ thêm một chút, người dân thấy giảm giá thì đưa đồng tiền vào bất động sản. Như vậy mỗi người giúp một tí, như đám cháy, mỗi người xách một xô nước, cứu hỏa, công an, quân đội cùng xúm lại sẽ nhanh dập lửa.”

Đã đến lúc doanh nghiệp giảm giá bán bất động sản

Ở một số dự án bất động sản, chủ đầu tư đã có động thái tung một loạt chính sách ưu đãi nhằm kích cầu thanh khoản. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam - cho biết giá thị trường bất động sản ở TP.HCM vẫn neo cao do ngay từ khâu mặt bằng, pháp lý, nguyên vật liệu tăng và nguồn cung ra thị trường cũng hạn chế. Ngay cả đối với những căn hộ cao cấp đã được chào bán mức giá 400-500 tỉ đồng/căn, theo ông Kiệt, đến nay vẫn neo ở mức giá này và không có dấu hiệu giảm giá khi hướng đến phân khúc cao cấp.

Tuy vậy, ông Kiệt cho hay thị trường vẫn có một số dự án giảm giá khi mới đây một dự án tại khu "đất vàng" Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) đã bất ngờ hạ giá.

Cụ thể, ông Kiệt cho biết với những dự án cùng vị trí, chủ đầu tư mở bán trước đây đưa ra mức giá 8.000-10.000 USD/m², thậm chí có dự án ngay trong khu này cũng mới chào bán giá 14.000 USD/m². Tuy nhiên, có dự án nằm ở vị trí đắc địa tại khu này nhưng trong đợt mở bán vào cuối tuần trước chỉ chào bán với giá từ 5.600-7.000 USD/m².

"Điều này cho thấy có những chủ đầu tư đã chấp nhận điều chỉnh lợi nhuận để triển khai thành công, chấp nhận giảm giá để bán được hàng", ông Kiệt nói.

Ở một số dự án khác như dự án HaNoi Melody Residences tại Linh Đàm (Hà Nội), tổng chiết khấu có thể lên tới 34-35% khi người mua thanh toán vượt tiến độ 95% giá trị căn hộ. Hay dự án nhà phố Bcons Plaza ở Dĩ An (Bình Dương) cam kết mua lại lô đất của khách hàng với mức lợi nhuận 40% sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng, tương đương lợi nhuận 13,3%/năm. Còn tại dự án Phúc Đạt Connect 2  ở Bình Dương áp dụng cho khách hàng mua từ 2 căn hộ trở lên sẽ được tặng 1.000 m2 đất tại Gia Lai….

Nhiều dự án bất động sản được giảm giá, chiết khấu cao
Nhiều dự án bất động sản được giảm giá, chiết khấu cao

Liên quan đến nội dung này, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ với báo chí, giá bất động sản thời gian qua neo cao, có nguyên nhân do giá bị thổi lên quá cao.

Theo ông Châu, cả thị trường sơ cấp từ chủ đầu tư bán ra lẫn thứ cấp mua đi bán lại đều cao, căn hộ vừa túi tiền đã biến mất trong khi có quá nhiều căn hộ dạng cao cấp với những căn lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Do đó, chỉ khi đối diện với vấn đề "sống còn", doanh nghiệp mới chấp nhận giảm giá khi tăng khuyến mãi, chiết khấu lên đến 40-50% khi thanh toán ngay bởi hiện không ít doanh nghiệp đang chịu sức ép về dòng tiền, thanh khoản.

"Giờ doanh nghiệp không có tiền mặt, không có tính thanh khoản thì đối diện với những nguy cơ to lớn nên đành phải dùng những giải pháp như năm 2009 đã thực hiện là giảm đến 50% giá bán", ông Châu nói.

Tuy vậy, ông Châu chỉ rõ trước đó có hiện tượng giá bất động sản bị đẩy lên quá cao, bây giờ phải giảm xuống và "câu hỏi đặt ra là đã thực chất hay chưa?".

Theo ông Châu, thời điểm này doanh nghiệp phải hết sức cầu thị, thực hiện theo kinh nghiệm cha ông đã đúc kết là "thà bán lỗ để cắt lỗ" còn hơn càng đeo theo, càng lỗ to dẫn đến "mất vốn, sập tiệm". Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhấn mạnh việc giảm giá này phải đi vào thực chất, không nên giảm giá theo kiểu đẩy lên rồi tung ra các ngày giảm giá chẳng thực chất.

Giải pháp căn cơ là phải hỗ trợ cho người mua nhà để ở và loại trừ những người đầu cơ. Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng đối với những căn hộ lớn đang tồn kho, cần chia thành căn hộ nhỏ để giảm giá bán, tăng chiết khấu cho người mua để những người có nhu cầu ở thực mua được nhà với giá mềm hơn.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống