Đà Nẵng: Chung cư đắt khách, 3 tháng bán hơn 1.000 căn hộ
Tại Đà Nẵng, trong quý III/2024, tỷ lệ tiêu thụ đối với phân khúc căn hộ đạt khoảng 47% trên tổng nguồn cung sơ cấp, tương đương 1.058 căn và gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.
Ngày 16/10, DKRA Consulting đã công bố Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận quý III/2024.
Cụ thể, phân khúc đất nền có nhiều cải thiện đáng kể về nguồn cung sơ cấp, ghi nhận có 16 dự án được giới thiệu ra thị trường, với khoảng 1.126 nền, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Thanh khoản thị trường phục hồi tích cực, lượng tiêu thụ sơ cấp tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên sức cầu chung của thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ tương đương khoảng 8% trên tổng nguồn cung. Quảng Nam tiếp tục là địa phương dẫn dắt thị trường sơ cấp khi tổng nguồn cung - lượng tiêu thụ đạt tỷ trọng lần lượt là 81% và 54%. Mặt bằng giá sơ cấp tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, trong khi thị trường giá thứ cấp đạt mức tăng phổ biến 3% - 5% so với quý trước.
Thị trường căn hộ ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng 32% so với cùng kỳ năm trước với 15 dự án triển khai bán hàng, cung ứng ra thị trường khoảng 2.267 căn hộ, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, riêng Thừa Thiên Huế và Quảng Nam tiếp tục khan hiếm nguồn cung.
Tỷ lệ tiêu thụ sơ cấp ghi nhận tín hiệu tích cực, đạt khoảng 47% trên tổng nguồn cung sơ cấp, tương đương 1.058 căn và gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Lượng giao dịch tập trung ở các dự án phân khúc căn hộ hạng A.
Nguồn cung sơ cấp nhà phố/biệt thự ghi nhận tăng 22% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với giai đoạn trước năm 2019. Cụ thể, thị trường đón nhận nguồn cung sơ cấp khoảng 867 căn đến từ 11 dự án mở bán. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 9% (khoảng 82 căn), tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch chỉ tập trung cục bộ tại 1 dự án mới mở bán trong quý.
Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, ngoại trừ condotel ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng nhẹ, các phân khúc khác tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, tiếp tục xu hướng đi ngang.
Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp ghi nhận giảm xấp xỉ 4% với 9 dự án mở bán, cung ứng ra thị trường 232 căn. Trong khi đó, nguồn cung mới tiếp tục vắng bóng. Nhiều dự án gặp vấn đề pháp lý không thể ra hàng, giá bán duy trì ở mức cao, hàng tồn kho chủ yếu là những sản phẩm cao cấp có giá trị lớn khiến thanh khoản khó khăn và không phát sinh giao dịch trong quý.
Ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp ghi nhận ở mức thấp và không phát sinh tiêu thụ. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với cùng kỳ, mức giá chào bán hiện tại dao động từ 7,1 – 16,3 tỷ đồng/căn. Thị trường thứ cấp tiếp tục duy trì tình trạng ảm đạm.
Riêng phân khúc condotel, nguồn cung sơ cấp tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ với 8 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 676 căn. Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn là những địa phương dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 93% tổng nguồn cung sơ cấp trong quý. Sức cầu thị trường tăng gấp đôi so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp và chỉ tập trung cục bộ tại một vài dự án nhất định. Mặt bằng giá sơ cấp không biến động nhiều so với cùng kỳ và tiếp tục xu hướng đi ngang.
Trong quý IV/2024, DKRA Consulting dự báo, nguồn cung mới phân khúc đất nền TP. Đà Nẵng và vùng phụ cận sẽ có nhiều cải thiện trong quý cuối năm, dao động khoảng 100 - 150 sản phẩm, tập trung chủ yếu tại Quảng Nam và Đà Nẵng.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong quý IV/2024 được kỳ vọng sẽ tăng, dự báo đạt khoảng 2.000 – 3.000 căn. Phần lớn nguồn cung tập trung tại Đà Nẵng, trong khi Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì tình trạng khan hiếm nguồn cung mới. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo cao trước áp lực chi phí đầu vào. Sức cầu thị trường được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà hồi phục ở quý III/2024, tuy nhiên sẽ khó có những đột biến trong ngắn hạn.
Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự dự báo tiếp tục khan hiếm, số lượng sản phẩm đưa ra thị trường dự kiến tương đương quý III/2024 và phần lớn đến từ giai đoạn tiếp theo của những dự án mở bán trước đó. Sức cầu chung có thể tăng nhẹ so với quý trước nhưng khó có đột biến trong ngắn hạn.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới tiếp tục vắng bóng do các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng; đồng thời, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn.