Đà Nẵng: Doanh nghiệp kêu còn nhiều vướng mắc khi thực hiện “ở yên tại chỗ 7 ngày”

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 14/8, BQL Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng đã báo cáo phản ánh nhiều vướng mắc cần được giải đáp của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đối với việc thực hiện chủ trương “ở yên tại chỗ 7 ngày” của chính quyền TP Đà Nẵng.

Thông tin công bố quá gấp và còn thiếu hướng dẫn thực hiện

Chiều 14/8, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng phản ảnh những vướng mắc cần được giải đáp của các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN trên địa bàn đối với việc thực hiện chủ trương “ở yên tại chỗ 7 ngày” của chính quyền TP Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng tập trung nộp hồ sơ xin xác nhận Giấy đi đường cho người lao động.  
Các doanh nghiệp Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng tập trung nộp hồ sơ xin xác nhận Giấy đi đường cho người lao động.  

Theo đó, ngày 14/8 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2788/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bổ sung quy định “ở yên tại chỗ 7 ngày” vào các biện pháp biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Với quy định này, các doanh nghiệp Khu công nghệ cao và các KCN chỉ được hoạt động 30% số lượng người đang lao động trong thời gian áp dụng Quyết định 2788/QĐ-UBND, tuy nhiên các hướng dẫn cụ thể về nội dung này hiện vẫn chưa có.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp phản ảnh, họ hết sức quan tâm quy định “những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ), được xem là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định “5K”” theo Quyết định 2788/QĐ-UBND. Tuy nhiên Quyết định này mới ký ban hành và công bố chiều tối thứ Bảy 14/8 mà “có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành”, áp dụng kể từ 8h sáng thứ Hải 16/8 là quá gấp.

“Việc công bố thông tin về chủ trương này không kịp thời dẫn đến giảm khả năng chủ động ứng phó của doanh nghiệp trong thời gian đến, các phương án của doanh nghiệp dừng ở mức giả định, chưa chắc chắn!” – ông Trần Văn Tỵ, Phó BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng phản ánh.

Cũng theo ông Trần Văn Tỵ, một số doanh nghiệp có đông lao động trong Khu Công nghệ cao, Khu CNTT tập trung và các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đã chuẩn bị phương án tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” và gửi về BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu, vận chuyển, thực phẩm, thuốc, suất ăn công nghiệp cơ sở xét nghiệm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang gặp nhiều vướng mắc do các đối tác cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là thực phẩm, suất ăn công nghiệp, các cơ sở lấy mẫu xét nghiệm chưa đồng ý ký hợp đồng. Bởi vì chính các đối tác cung ứng các dịch vụ này cũng chưa chắc chắn sẽ được hoạt động, lưu thông trong thời gian tới.

Cùng với đó, theo BQL Khu công nghệ cao và các KC Đà Nẵng, việc triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” theo yêu cầu của chính quyền TP chưa có thêm hướng dẫn về việc giao nhận hàng hóa, nguyên vật liệu, trong khi đây là khâu rất quan trọng trong quá trình sản xuất. Và đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc về việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho phương án sản xuất “3 tại chỗ”.

“Vì vậy BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng báo cáo, đề nghị UBND TP sớm có hướng dẫn chung đối với chủ trương “7 ngày ở yên một chỗ”, nhất là vấn đề giao nhận hàng hóa, nguyên liệu và cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các nhà máy. Các hướng dẫn này cần sớm ban hành để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị” – ông Trần Văn Tỵ cho hay.

Vẫn tiếp tục vướng mắc Giấy đi đường, Giấy nhận diện phương tiện

Bên cạnh đó, theo BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, hiện một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh việc một số chốt kiểm soát dịch chưa có sự thống nhất về ghi Giấy đi đường, cụ thể là yêu cầu phải ghi cụ thể thời gian có hiệu lực, nhưng cụ thể như thế nào thì lại chưa có hướng dẫn. Theo đó, các chốt tạm thời cho dùng để về nhà (ghi trên Giấy đi đường) và yêu cầu xin lại Giấy đi đường.

Chiều 14/8, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cũng tiếp tục đề xuất UBND TP, các quận huyện thống nhất về nội dung thời hạn có hiệu lực trên Giấy đi đường và các yêu cầu khác nếu có. Trong trường hợp có thay đổi, đề nghị có chủ trương thông báo sớm và ngoại trừ ngày nghỉ cuối tuần để doanh nghiệp thực hiện.

Đáng chú ý, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đề nghị UBNDTP Đà Nẵng sớm triển khai Giấy đi đường bằng mã QRcode, nhằm tránh việc doanh nghiệp tập trung xin Giấy đi đường quá đông, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và có thể dễ dàng điều chỉnh khi có yêu cầu hoặc có sai sót.

Ngoài ra, về vấn đề nhận diện phương tiện, hiện nay việc cấp Giấy nhận diện phương tiện chở hàng hóa theo ý kiến của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng chỉ cấp cho doanh nghiệp chở hàng thiết yếu. Tuy nhiên tại Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 31/7/2021 của Chủ tịch UBND TP Nẵng giao Sở GTVT thực hiện cấp Giấy nhận diện phương tiện chở hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu.

“Hiện nhiều doanh nghiệp phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu không thể vận chuyển hàng hóa do không được cấp Giấy nhận diện phương tiện chở hàng hóa. Tình trạng này thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp như bị hủy đơn hàng, thiệt hại kinh tế. Vì vậy đề nghị Sở GTVT tạo điều kiện cấp Giấy nhận diện phương tiện chở hàng hóa đối với doanh nghiệp phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu tại Khu Công nghệ cao và các KCN!” – ông Trần Văn Tỵ cho biết.

Giấy nhận diện phương tiện do Sở GTVT Đà Nẵng cấp trước ngày 16/8/2021 hết hiệu lực

Ngày 14/8, Sở GTVT Đà Nẵng đã có Công văn số 3899/SGTVT-QLVTPTNL gửi Công an TP, các Sở, ban, ngành trên địa bàn, UBND các quận, huyện thông báo hết hiệu lực Giấy nhận diện phương tiện do Sở GTVT Đà Nẵng cấp trước ngày 16/8/2021, nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của UBND TP Đà Nẵng về “ở yên tại chỗ 7 ngày”.

Theo đó các mẫu Giấy nhận diện phương tiện, gồm “Giấy nhận diện phương tiện chở hàng hóa của TP Đà Nẵng”, “Giấy nhận diện phương tiện chở công nhân, chuyên gia của TP Đà Nẵng”, “Giấy nhận diện phương tiện tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội” được Sở GTVT Đà Nẵng cấp trước ngày 16/8/2021 không còn giá trị sử dụng kể từ 8h ngày 16/8/2021.

Từ ngày 16/8 sẽ áp dụng mẫu Giấy nhận diện phương tiện theo quy định tại Quyết định 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của UBND TP Đà Nẵng.

Hải Châu

Theo Doanh nghiệp Việt Nam