Nhiều doanh nghiệp Đồng Nai "ngậm ngùi" muốn nói lời chia tay "3 tại chỗ"

Các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang gặp nhiều vấn đề phát sinh khi thực hiện "3 tại chỗ". Đó là điều kiện ăn ở cho người lao động không bảo đảm, thời gian sinh hoạt ngoài giờ làm việc đã làm nảy sinh nhiều phức tạp về tâm lý, an sinh. Cùng với đó, chi phí xét nghiệm cao đã khiến 50 doanh nghiệp tại đây muốn ngưng thực hiện.

Trong văn bản gửi ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các huyện, thành phố trên địa bàn mới đây, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết, đã tiếp nhận và xử lý 1.179 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 138.746 lao động lưu trú tại công ty trong tổng số hơn 341.000 lao động.

Trong đó, có 1.163 đơn vị thực hiện phương án "3 tại chỗ", 6 doanh nghiệp thực hiện phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" và 10 doanh nghiệp áp dụng cùng lúc 2 phương án trên.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, có nhiều vướng mắc khiến một số doanh nghiệp đã đề nghị ngừng "3 tại chỗ", giảm lao động. Theo đó, có 50 doanh nghiệp đề nghị ngừng hoạt động "3 tại chỗ" với 8.011 người lưu trú trong tổng số quy mô 25.432 lao động. Ngoài ra, có 216 doanh nghiệp giảm lao động với 5.124 người trong tổng số 42.283 lao động.

Phương án “3 tại chỗ” với mật độ người lao động khá đông cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cao.  
Phương án “3 tại chỗ” với mật độ người lao động khá đông cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cao.  

Như vậy, sau khi tổng hợp, rà soát kết quả tiếp nhận đăng ký và đề nghị ngừng hoạt động phương án "3 tại chỗ", giảm lao động của các doanh nghiệp, đến nay tại các khu công nghiệp của Đồng Nai chỉ còn 1.129 doanh nghiệp thực hiện phương án trên.

Hiện, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã tiếp tục giảm bớt lao động làm việc tại nhà máy, chỉ duy trì hoạt động một số khâu quan trọng, cần giao hàng gấp. Theo các doanh nghiệp, nếu thời gian giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài đến hết tháng 8/2021, sẽ còn nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh xin tạm dừng hoạt động.

Điều mà các doanh nghiệp đang trông đợi nhất là sớm có đủ nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho người lao động trong các nhà máy để hạn chế dịch bệnh lây lan. Như vậy doanh nghiệp mới có thể sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Từ đầu tháng 8/2021, tỉnh bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn, nhưng đợt này số liều vaccine phân bổ mới đáp ứng được 30-40% số lao động trong các công ty.

Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp tại Đồng Nai xin dừng hoạt động vì không thể duy trì thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm”, Đồng Nai bước đầu đã có chính sách, hỗ trợ giúp doanh nghiệp có được giải pháp phù hợp hơn để vượt qua khó khăn.

Cụ thể, để giải quyết khó khăn trong việc vận chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tiếp theo, các phương tiện đưa đón công nhân tại các doang nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” và phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa nhập khẩu vẫn được lưu thông để bảo đảm sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của người lao động.

Riêng các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ” đã xuất hiện những ca nhiễm COVID-19, UBND tỉnh Đồng Nai giao trách nhiệm cho các đơn vị chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp, nhanh chóng có giải pháp khống chế, dập dịch hiệu quả, ít gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp và địa phương.

Hiện Đồng Nai đang lên kế hoạch tiêm phòng cho người lao động của các công ty trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ đặc biệt ưu tiên cho người lao động ở các công ty đang thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”vì đây là một trong những đối tượng được ưu tiên để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.

Đức Linh

Doanh nghiệp Việt Nam