Đất nền phân lô phía Nam lại có dấu hiệu “chậm nhịp”
Theo một số môi giới tại thị trường bất động sản phía Nam, hoạt động đầu tư tại đây còn ít, chủ yếu mua đất, nhà để ở thực khiến sức cầu chung thị trường chưa khả quan.
Báo cáo thị trường đất nền TP.HCM và vùng phụ cận do DKRA vừa công bố cho thấy, trong tháng 5, nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ, ghi nhận mức giảm lần lượt là 58% và 99%.
Cụ thể, có 2 dự án mở bán trong đó 1 dự án mới và 1 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo trên địa bàn giúp cung cấp 241 nền ra thị trường, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu thụ mới ghi nhận 2 nền, giảm 99%.
Xét theo địa phương, nguồn cung mới tập trung chủ yếu tại Bến Cát - Bình Dương với tỷ trọng chiếm 95%. 5% còn lại đến từ TP.HCM. Các tỉnh khác như Tây Ninh, Long An, Đồng Nai không ghi nhận nguồn cung mới.
Đất nền mới tại TP.HCM có phổ giá lớn nhất khu vực, dao động 130-140 triệu/m2. Tại Bình Dương, mức giá dao động từ 12,1-20,9 triệu đồng/m2.
DKRA đánh giá, mặt giá sơ cấp không có nhiều biến động so với lần mở bán trước đó. Các chính sách ưu đãi thanh toán vượt tiến độ, hỗ trợ ngân hàng, cam kết mua lại,… được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Thị trường giá thứ cấp duy trì xu hướng đi ngang so với tháng trước. Nhóm các sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý, kết nối thuận tiện về khu vực trung tâm,… thu hút ược nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Chia sẻ mới đây, một môi giới tự do khu Đông Tp.HCM cho biết, các nền đất phân lô thứ cấp giá ngộp gần như đã bán hết vào quý 1/2024. Bước sang quý 2, thị trường không có nhiều biến động. Thậm chí, việc chốt giao dịch của môi giới trở nên khó khăn hơn do chủ đất/nhà kì vọng tăng giá. Trong khi phía mua vẫn muốn mua được giá tốt. Cùng với đó, hoạt động đầu tư còn ít, chủ yếu mua đất/nhà để ở thực khiến sức cầu chung thị trường chưa khả quan.
“Một số nhóm đầu tư tay to xuất hiện nhưng đa số tìm nguồn hàng rẻ, với số lượng lớn. Cùng với đó, sau khoảng thời gian xoay sở được tài chính, các nhà đầu tư hạn chế bán giá giảm sâu. Vì thế, khi nguồn cung ít, sức cầu nhìn chung giảm”, môi giới này cho biết.
Theo môi giới, thanh khoản đất nền có nhiều chuyển biến tích cực sau Tết âm lịch. Giao dịch tập trung ở nhóm sản phẩm đất phân lô có sổ, dự án đã hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, vài tháng đầu của quý 2/2024, sức cầu đất nền có dấu hiệu chững lại. Phần vì không còn nhiều sản phẩm bán ra, phần vì sự quay lại của nhà đầu tư chưa thực sự rõ nét.
Tại một số khu vực Tp.HCM, hoạt động mua bán đất nền thứ cấp vẫn diễn ra nhưng lẻ tẻ. Một số khu vực từng là “điểm nóng” như quận 9, huyện Củ Chi, Hóc Môn chưa thực sự “bật” sức cầu. Dù có tiến triển tốt hơn giai đoạn đầu năm 2023 song nhu cầu đi săn đất, mua nhanh bán nhanh chưa thể hiện rõ nét ở giai đoạn này.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group nhận định, việc Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm sẽ tác động nhất định đến thị trường nhà đất nói chung, phân khúc đất nền nói riêng.
Quy định siết chặt hoạt động chia lô, tách thửa đất mới có thể khiến nguồn cung đất nền phân lô giảm mạnh sau năm 2025, trong khi nhu cầu khó giảm trong dài hạn, vì tâm lý người Việt rất chuộng loại hình bất động sản này. Khi cung ít - cầu nhiều, giá đất nền sẽ đi lên. Theo đó, nhiều nhà đầu tư muốn nắm bắt xu hướng này và bắt đầu tìm kiếm đất nền trước khi luật mới chính thức có hiệu lực.
"Tuy vậy, khi tham gia thị trường đất nền, nhà đầu tư cần ưu tiên những khoản đầu tư trung - dài hạn, có chiến lược bài bản… mới có thể đảm bảo lợi nhuận như kỳ vọng, tránh đầu tư lướt sóng vì rủi ro cao.
Do gắn với tư duy “tấc đất tấc vàng” của cha ông, nên nhu cầu sở hữu nhà đất, nhu cầu tích sản bằng bất động sản của người Việt rất lớn. Vì thế, không khó hiểu khi đất nền nhận được sự quan tâm lớn từ người dân" - ông Thắng cho biết.