Đất nền phía Nam “vắng” người mua
Quý 3/2022, phân khúc đất nền tại thị trường phía Nam chứng kiến lượng giao dịch sụt giảm mạnh trong khi mặt bằng giá bán vẫn tiếp tục tăng so với quý 2.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản, đất nền cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đi xuống này. Bằng chứng là, nhiều báo cáo thị trường công bố gần đây đều cho thấy bức tranh ảm đạm của đất nền, đặc biệt tại khu vực phía Nam.
Báo cáo của DKRA Group cho hay, trong quý 3/2022, chỉ có vỏn vẹn 550 nền giao dịch thành công trong tổng số 1.057 nền được chào bán. Tỷ lệ hấp thụ đạt 52%, chỉ bằng 34,4% so với quý trước đó, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu tại các dự án đã có sẵn trong khi không có nhiều dự án mới mở bán.
Còn theo số liệu thống kê của chuyên trang Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đối với phân khúc đất nền trên cả nước trong quý 3/2022 đã giảm 29% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khu vực vùng ven TP.HCM đồng loạt ghi nhận đà tụt dốc không phanh, đặc biệt tại Bình Phước đã giảm 53%.
Trong khi đó, tại các quận/huyện ngoại thành TP.HCM như Củ Chi và Bình Chánh, lượng quan tâm đất nền giảm 19 - 46% so với quý trước. Nếu so sánh với thời điểm tháng 3, khi sốt đất đạt đỉnh, lượng quan tâm đến nay đã giảm ít nhất 50 - 60%.
Thanh khoản đất nền lao dốc tác động tiêu cực đến cả người bán lẫn người có nhu cầu mua, đầu tư đất.
Anh Long, một môi giới đất kinh nghiệm tại TP.HCM cho hay, thời điểm cuối 2021 và đầu 2022, đất nền ở nhiều nơi sốt nóng, lượng giao dịch lớn. Thời điểm này, mỗi tháng anh đều bán được ít nhất 1 - 2 nền, thu nhập cũng khá.
“Tuy nhiên, kể từ quý 3, lượng giao dịch chững lại thấy rõ. Đến nay đã hơn 4 tháng rồi mà tôi không ‘chốt’ được lô nào. Nghề môi giới bất động sản mà không bán được hàng là chỉ có ‘đói’ há mồm vì đồng lương chẳng có bao nhiêu, thu nhập chính đến từ hoa hồng bán hàng. Cứ tình hình này chắc tôi phải tìm gì khác làm để có thêm thu nhập chứ không không sống nổi”, anh Long chia sẻ.
Theo anh Việt (TP.HCM), một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, nguyên nhân khiến lượng giao dịch đất nền giảm mạnh như thời gian qua là do người mua khó tiếp cận vốn vay ngân hàng trong khi giá đất nhiều khu vực đã thiết lập mặt bằng giá mới.
“Đặc thù khi mua đất nền là người mua phải trả trước một khoản tiền rất lớn. Nhất là kể từ sau đợt sốt đất hồi đầu năm, giá đất nhiều quận huyện đã tăng quá cao. Mà hiện nay vay vốn ngân hàng để mua bất động sản gắt lắm, khó mà vay được. Hơn nữa lãi suất cũng đang cao ngất ngưởng thành ra người mua cũng ngại vay trong thời điểm này”, anh Việt nói.
Lãnh đạo một công ty môi giới bất động sản trụ sở tại Bến Lức (Long An) cho biết: “Việc giải ngân vốn vay để mua bất động sản tại các ngân hàng đã giảm đến 90% so với quý 1 năm nay khiến thanh thanh khoản thị trường sa sút vì dòng tiền thiếu hụt. Vị này cho biết thêm, tại khu vực giáp ranh TP.HCM như Bến Lức, lượng giao dịch đã sụt giảm 30% so với giai đoạn đầu năm.
Mặc dù diễn biến thị trường quý vừa qua khá ảm đạm nhưng hầu hết các chuyên gia bất động sản đều cho rằng, đất nền tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư bền vững và tiềm năng.
Theo TS. Đặng Chính Thắng, đất nền có mức tăng trưởng khá ổn định, bình quân 15 - 20%/năm. Mặc dù thị trường đang đi xuống trong năm 2022 nhưng bước sang năm 2023, khi thị trường phục hồi thì phân khúc này hoàn toàn có thể trở lại mức tăng 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường khó thể nào phục hồi nếu tình trạng “nghẽn” vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chưa được cải thiện.
Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, trong khoảng tháng 3/2023, thị trường bất động sản bước đầu tìm được điểm cân bằng bởi những thông tin quy hoạch mới thường được công bố sau Tết Nguyên đán.
Ông Tuấn cho biết thêm, xét về dài hạn, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam hiện đang ở dưới mức 40%, do vậy dư địa đầu tư công còn lớn, tạo động lực để kênh đất nền tiếp tục tăng trưởng.