Đầu cơ, thổi giá đất: Người ôm nhiều, người không có nhà

Cần phải đặt câu hỏi vì sao một người có thể gom vài chục cái nhà, vài chục BĐS nhưng lại có những người không có chỗ ở?

Giá nhà Việt Nam cao nhất thế giới?

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam năm 2020, theo đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn có xu hướng tăng hơn so với năm 2019. Nhìn nhận hiện tượng này, Bộ Xây dựng cho rằng có hiện tượng đầu cơ, đẩy giá thu lợi bất chính làm bất ổn cho thị trường BĐS.

Đầu cơ, thổi giá đất: Người ôm nhiều, người không có nhà - Ảnh 1
"Cò" thổi giá đất thu lợi bất chính. Ảnh: VNN

Nhìn nhận vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú, Công ty Luật TAT Law firm ghi nhận những đánh giá thẳng thắn đối với thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, tuy nhiên, theo ông những đánh giá trên không có gì mới và đặc biệt cũng chưa thấy có giải pháp mang tính khả thi nào.

"Nhận định được những dấu hiệu bất ổn của thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, nhưng đưa ra được nhận định rồi thì phải có giải pháp đi kèm. Vấn đề của các cơ quan quản lý là phải làm thế nào để giữ ổn định cho thị trường BĐS, phải có giải pháp giải quyết tình trạng bất ổn nói trên", LS Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Để tìm được giải pháp, vị LS cho rằng cần phải nhìn thẳng vào những nguyên nhân, trong đó, vai trò quản lý và công tác quy hoạch là một trong những yếu tố làm gia tăng sự bất ổn của thị trường BĐS.

Vị chuyên gia lấy ví dụ từ việc thành lập thành phố Thủ Đức (TP.HCM), ngay sau đó là đề xuất của Hải Phòng.

Khi thay đổi quy hoạch, là thực hiện dự án mới thì lập tức đất tại các khu vực lân cận đã tăng nhanh chóng mặt. Cụ thể, tại TP.HCM, sau thông tin thành lập TP Thủ Đức, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt. Đơn cử như trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m 2. Tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.

Rõ ràng, khi cơ hội đến, thấy lợi thì cả nhà đầu cơ và người dân đều muốn đón nhận. Câu hỏi là vì sao giới đầu cơ lại luôn đi trước, nắm rõ dự án, quy hoạch để đón đầu, tăng giá đất? Vai trò, trách nhiệm quản lý trong trường hợp này như thế nào?

"Các nhà quản lý cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về trách nhiệm của mình. Khi nhu cầu nhà ở ngày càng cao nhưng nguồn cung thị trường BĐS lại chưa thể đáp ứng đủ sẽ dẫn tới những xáo trộn.

Trong bối cảnh đó, vai trò kiểm soát, dẫn dắt, điều phối thị trường BĐS của các cơ quan quản lý là rất quan trọng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước đã chưa làm tốt việc này, quyền dẫn dắt thị trường BĐS lại đang nằm trong tay một số nhà đầu cơ, ông trùm BĐS khiến giá nhà bị đẩy lên quá cao so với giá thực tế.

Tôi nhấn mạnh, từ đầu thập kỷ 1990 tới nay, thị trường BĐS chưa bao giờ thật sự ổn định. Sự gia tăng bất thường của thị trường BĐS đã lấy đi cơ hội của rất nhiều người, khiến nhiều người trẻ phải sống cả cuộc đời không mua nổi nhà ở. Đó chính là sự yếu kém trong công tác quản lý và sự yếu kém đó tới tận bây giờ vẫn chưa được khắc phục.

Không thể đổ lỗi cho đất chật, người đông. Nhật Bản diện tích nhỏ hơn đất nước chúng ta, có đến 120 – 130 triệu dân, nhưng họ vẫn có những ngôi nhà một vài nghìn đô, vẫn đầy đủ tiện ích, có sân vườn, bên cạnh vẫn còn hàng triệu ngôi nhà hoang, không có người ở. Singapore chật hẹp như vậy, dân số đông như vậy nhưng họ vẫn giải quyết tốt bài toán bất động sản.

Nước Mỹ giàu có như vậy nhưng so với thu nhập bình quân đầu người giá thị trường BĐS của Mỹ vẫn dễ chịu hơn Việt Nam nhiều lần. Bất động sản tính theo thu nhập bình quân đầu người thì ở Việt Nam được xếp vào hàng đắt nhất thế giới. Đây là những lý do chúng ta có một thị trường bất động sản méo mó, có những hành vi trục lợi, thổi giá lên cao như chúng ta đang bàn ở đây", LS Trương Anh Tú thẳng thắn.

Để không còn người thừa, kẻ thiếu

Từ những phân tích trên, ông Tú nhấn mạnh, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải giữ cho được sự ổn định của thị trường khi có sự thay đổi về quy hoạch, phải kiềm tỏa mức giá, giải quyết dứt điểm tình trạng bất ổn đã kéo dài từ nhiều năm của thị trường BĐS.

Giải pháp theo ông Tú là bằng các chế tài quản lý, bằng các công cụ pháp luật.

Điều đầu tiên theo ông Tú là cơ chế minh bạch trong công tác quản lý, minh bạch trong quy hoạch đô thị, minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến người dân, minh bạch trong quá trình tiếp cận nguồn lực về đất đai của các doanh nghiệp… Khi minh bạch, liêm chính, công bằng thì không có lý do gì giá BĐS lại cao bất thường như hiện nay.

Tiếp theo là đánh thuế với người sở hữu nhà ở thứ hai. Cần phải đặt câu hỏi vì sao một người có thể đứng ra gom một lúc vài chục cái nhà, vài chục BĐS nhưng lại có những người khác không có chỗ ở và giải quyết vấn đề này.

"Ở nhiều nước phát triển cũng đánh thuế rất cao theo hướng lũy kế với những người sở hữu nhiều nhà để không còn tình một người ôm hàng trăm BĐS trong khi lại có người không có nhà ở.

Đây chính là một trong những giải pháp mang tính chất pháp lý để giải quyết tình trạng bất ổn của thị trường BĐS. Chỉ cần triệt tiêu được tình trạng giá cao bất hợp lý trong thị trường BĐS thì hoàn toàn có thể kiểm soát được sự bất ổn của thị trường BĐS hiện nay", ông Tú phân tích.

Với hiện tượng cố tình đầu cơ, thổi giá BĐS lên cao, tung tin nhũng nhiễu dẫn dụ người dân vào bẫy để trục lợi hàng trăm, nghìn tỷ đồng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của người dân. Đó là hành vi nguy hiểm cần phải bị xử lý theo luật hình sự. Do đó, giải pháp thứ ba là hình sự hóa các hành vi “thổi giá” bất động sản.

"Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm để không phải thấy những tình cảnh đau lòng như trên. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, Luật sư Tú khuyến nghị.

Lam Lam

Theo Đất Việt