Đầu tư gần 40.000 tỷ đồng cho loạt dự án hạ tầng, thị trường bất động sản Bình Phước đang hưởng lợi?
Với chủ trường đưa Bình Phước trở thành “ thủ phủ công nghiệp”, các cấp chính quyền tỉnh Bình Phước và Chính phủ đã quyết định huy động dòng vốn lớn đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng lên tới gần 40.000 tỉ đồng. Nhờ đó, bất động sản Bình Phước cũng được hưởng lợi từ dòng vốn hàng tỷ USD.
Gần 40.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giai đoạn 2020 – 2025
Bình Phước là một tỉnh miền núi, cách thủ đô Hà Nội 1.840 km; bao gồm 1 thị xã, 5 huyện và 75 xã (phường, thị trấn). Phía Ðông giáp tỉnh Lâm Ðồng và Ðồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc giáp tỉnh Ðắc Lắc và Campuchia.
Bình Phươc có diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 6.856 km2, chiếm 2,07% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các đường giao thông quan trọng đi qua địa bàn như đường quốc lộ 13 và quốc lộ 14.
Về quỹ đất và hạ tầng, Bình Phước sở hữu quỹ đất lớn cho các khu công nghiệp. Đồng thời, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ.
Với mục tiêu phấn đấu trở thành “thủ phủ công nghiệp”, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và công nghiệp. Hiện tại, Bình Phước có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bình Phước và Chính Phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch thêm gần 10.000 ha đất Khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Thúc đẩy nhanh quá trình biến tỉnh Bình Phước thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp trong bản đồ công nghiệp Việt Nam.
Trong năm 2021, Bình Phước đã đón 63 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020. Thu hút đầu tư trong nước được 120 dự án với tổng vốn 12 ngàn tỷ đồng. Quý 1/2022, tỉnh đã thu hút 9 dự án FDI với số đăng ký 23 triệu USD.
Nhằm mở đường cho công nghiệp phát triển hơn nữa, năm 2021 vừa qua Bình Phước và Bình Dương đã thống nhất chủ trương triển khai tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành với số vốn dự kiến 36.000 tỉ đồng. Tuyến đường có chiều dài 69 km, trong đó đoạn đi qua TP HCM dài khoảng 2 km, tỉnh Bình Dương khoảng 60 km và tỉnh Bình Phước 7 km.
Ngoài ra, Bình Phước cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc Bình Dương – Đồng Phú. Dự án với tổng chiều dài 41,3 km, được chia làm hai giai đoạn. Riêng số vốn đầu tư cho giai đoạn đầu 1.480 tỉ đồng. Tuyến đường được coi như “trục xương sống” của Đồng Phú, kết nối một trong ba đỉnh của tam giác kinh tế của Bình Phước với các địa phương trong khu vực.
Cùng với tuyến cao tốc Bình Dương – Đồng Phú, huyện đầu tư triển khai 5 tuyến đường Tạo Lực trọng điểm với lộ giới từ 32- 42m giúp kết nối các khu công nghiệp và dân cư trong vùng gồm: Tuyến số 1 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú – Bình Dương dài 5,6km; tuyến số 2 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú – Bình Dương dài 4,2km; tuyến số 3 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú – Bình Dương dài 6,1km, tuyến số 4 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú – Bình Dương dài 8,2km và tuyến số 5 nối từ ĐT741 với đường Nông trường cao su Tân Lập dài 0,5km.
Bên cạnh các dự án trọng điểm, chính quyền Bình Phước cũng có kế hoạch đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông khác như nâng cấp DT741 đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh; khởi công tuyến đường gần 1.000 tỉ đồng nối Quốc lộ 13 với cửa khẩu Hoa Lư, nâng cấp tuyến đường ÐT 753 kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành; xây dựng cầu Mã Đà kết nối Bình Phước với Đồng Nai.
Nhiều ‘ông lớn’ đã có mặt tại Bình Phước
Còn nhớ, Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước năm 2020, lãnh đạo Tổ hợp nhà máy CPV Food thuộc Tập đoàn CP (Thái Lan) và nhà máy sản xuất khăn giấy Tập đoàn Hayat (Thổ Nhĩ Kỳ) đều cho rằng lựa chọn Bình Phước để đặt cơ sở sản xuất là một quyết định đúng đắn. Bởi nơi đây, hội tụ đủ các yếu tố hỗ trợ phát triển kinh tế.
Các chuyên gia BĐS đánh giá hiện nay đang có sự dịch chuyển lượng người quan tâm các sản phẩm căn hộ, đất nền từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…. sang Bình Phước. Đây là một trong những cơ hội cho các nhà đầu tư đi trước đón đầu, biêt nắm bắt cơ hội.
Cùng với việc đang “thay da đổi thịt” từng ngày với loạt dự án giao thông, công nghiệp tỷ đô. Chính điều này đã thu hút hàng loạt những nhà đầu tư BĐS có tên tuổi trên thị trường đến với Bình Phước như Vingroup, Becamex, FLC, …
Đáng chú ý là Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) với dự án Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước tại huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước có vốn đầu tư hơn 2.900 tỉ đồng. Dự án có diện tích 4,600 ha, trong đó khoảng 2,400 ha đất phát triển công nghiệp và 2,200 ha đất dịch vụ và đô thị. Năm 2020, Bình Phước và Becamex IDC tiếp tục ký kết thoả thuận chiến lược về dựng khu công nghiệp Đồng Phú diện tích 6.300 ha theo mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ.
Bên cạnh đó, Bình Phước đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương mở rộng các KCN như Minh Hưng III (577 ha), Bắc Ðồng Phú (317 ha), Nam Ðồng Phú (480 ha), Minh Hưng – Sikico (1.000 ha).
Mới đây nhất, thời điểm cuối tháng 3/2022 Tập đoàn Đất Xanh đã thông qua chủ trương cho công ty liên kết là CTCP Đất Xanh Capital đầu tư dự án tại Bình Phước với quy mô khoảng 200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 6.480 tỷ đồng.
Trước đó vào năm 2016, Tập đoàn Vingroup đã đánh dấu sự góp mặt của mình tại thị trường BĐS Bình Phước với việc tổ chức lễ khởi công dự án Vincom Chơn Thành Bình Phước. Dự án có quy mô hơn 300 căn biệt thự, nhà phố, shophouse, được xây dựng trên diện tích 3,1ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2019, Cát Tường Group cũng chọn Bình Phước là địa điểm đến và ra mắt dự án khu đô thị Cát Tường Phú Hưng có quy mô đến 92,7 ha,với tổng vốn đầu tư khoảng 95 triệu USD ngay TP. Đồng Xoài.
Hay mới đây, cùng vào ngày 20/3, UBND tỉnh Bình Phước đã trao văn bản chấp thuận cho Tập đoàn Sun Group khảo sát, lập quy hoạch và đề xuất dự án Khu đô thị du lịch hồ Suối Giai, Tây Hồ Bà Mụ Bình Phước đồng thời đồng ý với hai dự án tổ hợp giáo dục FPT của Tập đoàn FPT và dự án Sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành của CTCP Phúc An Khang Chơn Thành.
PGS. TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Bình Phước là trung tâm kết nối giữa Tây Nguyên – Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có cảng trung chuyển quốc tế hàng không và hàng hải. Địa phương này còn nằm trên hành lang Đông – Tây kết nối vùng Tây Bắc ASEAN có tiềm năng phát triển rất lớn nên càng phải được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng. Để Bình Phước có thể bứt phá, thì liên kết vùng chính là phương án tốt nhất tạo sự cộng hưởng cho phát triển của toàn vùng.
Chủ tịch UBND Bình Phước – Bà Trần Tuệ Hiền cũng khẳng định, với nền tảng “4 tốt” hiện nay là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt, Bình Phước luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư. Đồng thời cam kết, Bình Phước luôn sát cánh và đồng hành với DN, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.