‘Đầu tư vào dự án BT, BOT mà nghĩ ngay đến vốn ngân hàng là sai lầm’

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng khi đầu tư dự án BT, BOT mà nghĩ ngay đến vốn ngân hàng là một sai lầm. Ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nên không thể cho vay trung dài hạn được.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực

Ngân hàng thương mại không mặn mà với việc cho vay các dự án giao thông

Phát biểu tại diễn đàn "Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”, TS Cấn Văn Lực cho biết, theo tính toán của ADB, giai đoạn 2016-2030, mỗi năm 45 nước đang phát triển tại châu Á cần khoảng 1.700 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT). Hiện nay, Việt Nam đầu tư khá nhiều vào CSHT, nhưng chủ yếu là vốn đầu tư công, chiếm khoảng 90%; nguồn vốn đầu tư cho CSHT chiếm 8,2% GDP.

Ông Lực nhấn mạnh: “Một sai lầm là hiện nay cứ đầu tư vào dự án BT, BOT là nghĩ đến vốn ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nên không thể cho vay trung dài hạn được. Chúng ta cần phát huy vai trò của ngân hàng phát triển đúng nghĩa”.

Chẳng hạn ở các nước, chỉ 27% vốn cho BT, BOT là từ ngân hàng thương mại, còn lại là vốn từ ngân hàng phát triển cung ứng. Nhưng Việt Nam ngược lại, đến 70% dùng vốn ngân hàng thương mại, còn 30% từ nguồn vốn khác.

Đánh giá về giải pháp huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông, ông Lực cho biết: “Với hạ tầng giao thông, đa số các nước chủ yếu vẫn dùng vốn đầu tư công, vốn này chiếm đến 85% - 87%, còn lại là vốn PPP”. 

Theo TS Cấn Văn Lực, có 4 nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông chủ yếu, đó là vốn tự có (lợi nhuận để lại, phát hành cổ phiếu, vốn góp từ các cổ đông hay đối tác đầu tư) - thường chiếm khoảng 15% - 20%. Hai là nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp (vốn này càng nhiều càng tốt). Ba là vốn vay ngân hàng, gồm cả ngân hàng phát triển và ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 40% - 50%. Bốn là vốn phát hành trái phiếu gồm trái phiếu doanh nghiệp (có thể là trái phiếu công trình) và trái phiếu chính phủ/chính quyền địa phương với mục đích chính là tài trợ cho dự án đó, hoặc chủ đầu tư phát hành trái phiếu và do chính phủ bảo lãnh, tỷ trọng khoảng 20% - 25%.

Bên cạnh 4 nguồn vốn trên, các dự án hạ tầng giao thông còn có nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (gồm cả vốn ODA, nếu có) và vốn từ các quỹ đầu tư – chiếm khoảng 10% - 15% như ADB...

Ông Lực cho biết, tại Việt Nam, ngân hàng phát triển chưa thể hiện được vai trò chính trong đầu tư phát triển hạ tầng. Ngân hàng thương mại không mặn mà với việc cho vay các dự án hạ tầng giao thông, nguyên nhân lớn là do nhiều rủi ro. Việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP gặp vướng mắc.

Đối với vốn tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng các dự án BT, BOT của các ngân hàng thương mại đang giảm dần, năm 2016 tăng 30,4%, năm 2017 tăng 13,8%, năm 2018 tăng 5,3%, năm 2019 chỉ tăng 3,2%, năm 2020 đã giảm 1,8% và đến năm 2021 còn 3,5%. Vốn ODA thì chậm giải ngân…

Tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ các dự án BT, BOT giảm 1,72% so với cuối năm 2021 (theo Ngân hàng Nhà nước, ước tính dư nợ cho vay BT, BOT khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 0,88% tổng dư nợ của hệ thống tổ chức tín dụng). 

Đa dạng cấu trúc vốn theo thị trường các nước

Theo ông Lực, để có được dự án đầu tư, cần nghĩ đến cấu trúc vốn đa dạng như kinh nghiệm của nhiều nước. Thị trường tài chính, trong đó có thị trường trái phiếu phải là kênh dẫn vốn trung hạn quan trọng của doanh nghiệp và cả chính phủ. Bên cạnh đó là vai trò của các quỹ đầu tư hạ tầng để đa dạng hóa các nguồn lực cho dự án hạ tầng.

Theo tính toán của GIH, mỗi năm, Việt Nam cần 28-30 tỷ USD cho phát triển CSHT, huy động từ nguồn tư nhân, nhà nước, nước ngoài. Trong đó, ngân sách nhà nước lo khoảng 15-18 tỷ USD, chiếm khoảng 50% - 60%, còn lại vẫn phải huy động từ tư nhân.  

Còn theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021–2025, phần vốn nước ngoài là 31.267 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư công được phân bổ; dự kiến được phân bổ cho 19 dự án ODA ngành giao thông, chuyển tiếp từ giai đoạn 2016–2020. 

Theo ông Lực, bài toán huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng rất cần quan tâm giải quyết.

Ông Lực kiến nghị một số giải pháp như: đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA (gồm cả linh hoạt hơn việc phân bổ, điều chuyển vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và giải pháp đột phá khác); phát huy vai trò của ngân hàng phát triển; cần có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng hơn đối với cả ngân hàng thương mại tham gia cho vay; tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án huy động vốn từ thị trường trái phiếu.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng cơ quan quản lý cần nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao; đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến lương thực thực phẩm, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp... 

“Cuối cùng, cần sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cho phép nhà đầu tư/bên cho vay nước ngoài được sở hữu nhà ở, tài sản trên đất; nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở và bất động sản khác (thông qua ủy thác bên thứ ba tại Việt Nam)”, ông Lực nói.

Huyền Trang

Theo VietnamFinance