Dịch bệnh diễn biến phức tạp, chủ thuê vẫn khó giảm giá nhà vì áp lực tài chính?
Trước tình hình kinh doanh khó khăn do giãn cách kéo dài, nhiều chủ nhà phố, nhà trọ đang hỗ trợ khách hàng bằng cách giảm giá thuê. Tuy nhiên. không phải chủ nhà nào cũng có điều kiện để áp dụng hình thức này.
Kinh doanh một khu nhà trọ 4 phòng tại khu vực quận 1, TP. Hồ Chí Minh, ông N.T. Sang, chủ nhà trọ cho biết ông không giảm phí thuê phòng trong mùa dịch được vì chính ông cũng đang bị áp lực tài chính đè nặng. Khu nhà trọ này khách thuê chủ yếu là nhân viên văn phòng thuê, giá tầm 2-2,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Sang đây đã là mức giá thuê rất rẻ tại khu vực quận 1, gần 2 năm nay ông cũng không tăng giá để hỗ trợ người thuê nhà. Năm nay vợ chồng ông đã hơn 60 tuổi, trước dịch vợ ông còn mở một quán bán cơm tấm nhỏ ngay đầu hẻm, nay dịch bệnh cũng đã đóng cửa. Mỗi tháng tiền ăn, tiền điện, tiền thuốc thang rồi các chi phí phát sinh không tên cần thanh toán khiến ông không thể hỗ trợ giảm giá thuê cho người thuê nhà lúc này.
Được biết, hầu hết khách thuê tại nhà ông Sang đều không có ý kiến hay khó chịu khi không được giảm giá thuê. Một khách trọ tại đây cho biết, do chủ nhà rất tử tế, nhiều năm qua cũng không tăng tiền thuê nhà, giá thuê lại đã rất mềm nên không ai có ý kiến hay gây khó khăn gì. Vợ chồng chủ nhà cũng rất có tâm, dù không giảm giá thuê nhưng thường hỗ trợ khách trọ bằng cách nấu ăn hay phát cơm miễn phí mùa dịch cho khách thuê trọ.
Cũng khó khăn như ông Sang nhưng bà Thuyên, chủ một khu nhà trọ tại khu vực quận 10 cũng cố gắng giảm 20-30% giá thuê cho khách trong mùa dịch. Theo bà Thuyên, nhờ gia đình bà vẫn duy trì được khoản tiền từ cho thuê kho xưởng tại Hóc Môn nên có thể tính toán để giảm phần nào giá thuê hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, nếu cứ kéo dài thì bà không biết còn khả năng hỗ trợ tiếp hay không. Được biết, bà Thuyên có 3 phòng trọ với giá thuê trung bình từ 2,5-3 triệu đồng/ tháng, mùa này bà giảm xuống còn 2 triệu đồng.
“Thời điểm này ai cũng khó khăn, khách thuê khó nhưng bản thân những chủ nhà như tôi cũng không tốt hơn là bao. Mùa dịch, nhà bị phong tỏa, phòng trống không ai ở. Trong khi lãi ngân hàng vẫn phải đóng đều, không giảm. Chi phí điện nước các thứ cũng không được nhà nước hỗ trợ, còn tiền ăn, tiền lời các khoản thông thường phải chi cũng không thay đổi. Chủ nhà hỗ trợ khách còn không ai hỗ trợ những chủ nhà trọ nhỏ như tôi”, bà Thuyên cho hay.
Không chỉ bà Thuyên, nhiều chủ nhà khác cũng đang trong tình trạng dở khóc dở cười bởi vừa phải gồng gánh trả lãi ngân hàng cho nhà, mặt bằng của mình, vừa đau đầu vì bài toán lấp đầy phòng, cắt lỗ mùa dịch… Nhiều chủ nhà nếu không gánh áp lực tài chính lớn thì lựa chọn giảm thuê nhằm giữ chân khách, riêng với những người chịu sức ép từ lãi ngân hàng thì việc giảm giá thuê đồng nghĩa đẩy họ vào khó khăn.
Theo chủ một khu nhà trọ trên địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12, để có tiền kinh doanh một khu nhà trọ, họ đã phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, vừa làm chưa được 2 năm thì chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Hiện nay, các khoản phí phải trả quá nhiều, tiền thuê nhà phần lớn chỉ đủ trả lãi cho ngân hàng. Nếu giảm giá thì đồng nghĩa họ lâm vào cảnh nợ nần. “Tôi giờ chỉ có thể chấp nhận cho người thuê thư thư trong tháng dịch này, sau khi hết dịch đóng gộp lại chứ chính bản thân cũng không đủ khả năng cáng đáng tài chính để mà giảm giá thuê trong mùa dịch”, chủ nhà chia sẻ.
Một thực tế mà nhiều chủ nhà thừa nhận, tiền đóng lãi ngân hàng cũng như chi phí điện, nước, rác thải… không giảm trong mùa dịch này khiến họ cũng gặp khó khăn. Nhiều chủ nhà chạy vạy, vay mượn, xây sửa phòng ốc, làm phòng trọ số lượng lớn. Dịch đến, họ cũng đứng giữa vòng vây các loại thuế, phí, lãi khác nhau và không phải ai cũng đủ khả năng để chi trả một lúc các loại phí này cho lượng lớn nhà, phòng họ sở hữu.
Đứng trước bài toán hoặc giảm giá nhà để giữ chân khách hoặc giữ nguyên giá thì phải tìm kiếm người thuê mới, nhiều chủ nhà đã chọn cách giảm giá thuê trong tình cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, không phải người thuê luôn là đối tượng hưởng lợi ở thời điểm này. Chị Mai Anh, một lao động đang thuê trọ tại khu vực TP. Thủ Đức cho biết, trong bối cảnh thành phố đang giãn cách hiện nay, việc đi tìm thuê khu trọ mới là điều rất khó khăn vì đến chủ nhà cũng ngại đón khách mới. Chính vì vậy, nếu không thỏa thuận được với chủ trọ hiện tại, người thuê vẫn phải cắn răng gồng gánh các khoản phí hiện hữu.