Doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi 5.000 chữ ký cầu cứu Chính phủ hỗ trợ để vượt qua "bão" COVID-19

Thời gian vừa qua, rất nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ triển khai, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết không dễ để tiếp cận được với các gói hỗ trợ này.

Doanh nghiệp nhỏ khó khăn nhiều bề

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 430.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của cộng đồng nhóm doanh nghiệp này, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cũng như TP Hồ Chí Minh đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đã trở thành điểm nhấn riêng của thành phố như phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình kích cầu đầu tư.

Tuy nhiên đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa rơi vào tình cảnh lao đao, nhất là đầu ra của sản phẩm và vốn tín dụng, nguy cơ phá sản luôn hiện hữu. Theo khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy, dịch COVID-19 đã khiến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%...

Nhiều doanh nghiệp cho biết, chưa khi nào, các họ lại rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Trong suốt nhiều tháng trời chịu tác động của dịch bệnh, doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm mạnh, thậm chí là không có thu nhập. Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất chính là tổng cầu giảm và đầu ra chưa phục hồi, tiếp đến là tình trạng thiếu vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn để duy trì hoạt động doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.  
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.  

Ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Công ty TNHH Nhiên An (quận Tân Phú) cho biết, không doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào nằm ngoài tác động của COVID-19 và công ty Nhiên An cũng không ngoại lệ. Theo ông Quân, hiện doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất đó là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng. Không chỉ thế chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.

Ông Quân cho biết, được thành lập từ giữa năm 2018 với 25 người lao động ở lĩnh vực may mặc, thời điểm đó chưa có dịch nên đơn hàng về liên tục, công ty hoạt động rất tốt. Để phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu của đối tác, đầu năm 2019 Công ty Nhiên An mở thêm 2 chi nhánh và tuyển hơn 90 lao động có tay nghề tốt. Thời điểm đó, doanh thu mỗi quý của Công ty Nhiên An đạt gần đạt gần 9 tỷ đồng. Thế nhưng đầu năm 2020 dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty.

“Do ảnh hưởng dịch nên vận chuyển hàng hoá rất khó khăn, đối tác không bán được hàng nên họ huỷ đơn hàng rất nhiều. Chưa hết, việc nguyên liệu đầu vào quá cao đã khiến doanh nghiệp chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều trong dòng tiền xoay sở. Để tiếp tục duy trì trong thời điểm này, tôi đã cho nhiều người lao động tạm nghỉ tại nhà nhưng vẫn trả lương cơ bản và đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Số còn lại đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, song chúng tôi đang gặp hàng loạt khó khăn có thể phải ngừng hoạt động trong thời gian tới, như: chi phí "3 tại chỗ" tăng cao, nặng gánh phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội...”, ông Quân nói.

Tương tự, bà Hoàng Thị Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất gia công cơ khí Gia Huy Phát (quận Bình Tân), cho biết mặt hàng chính của công ty là gia công sản phẩm cơ khí công nghiệp để bán cho các đối tác trong và ngoài nước, song đến nay công ty đã tạm dừng phân phối sản phẩm tại 7 tỉnh thành phía Nam (doanh số giảm khoảng 2/3 so với trước đây). Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, đối tác khó khăn về tài chính, nhiều tỉnh siết chặt về giao hàng. Bên cạnh đó, đối tác nhập khẩu đã ngừng mua hàng kể từ đầu năm tới nay do không chấp nhận chi phí cước vận chuyển quá cao (tăng hơn 7 lần so với trước dịch).

Chính vì lẽ đó, bà Thuỷ cho hay doanh nghiệp đã xin tạm dừng kinh doanh từ tháng 6 đến cuối quý 1 năm 2022, do lượng hàng tồn kho quá lớn (4-5 tỷ đồng). Trước đó, doanh nghiệp đã dồn hết tiền vào sản xuất, nay không bán được hàng nên không có vốn xoay vòng. Hiện tại, công ty đang còn công nợ với 30 người lao động khoảng 500 triệu đồng.

“Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi hiểu rằng Chính phủ đang dốc sức chống dịch và nỗ lực duy trì hoạt động kinh tế nhằm đạt mục tiêu kép. Tuy nhiên, những khó khăn đã gần vượt sức chịu đựng của đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Là một doanh nghiệp nhỏ, công ty chúng tôi đang khó khăn loay hoay vay với bài toán về vốn và hàng loạt chi phí phát sinh. Trong khi đó, hàng tháng doanh nghiệp vẫn phải trả lãi đầy đủ cho ngân hàng,” bà Thuỷ nói và cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy trong phát triển sản xuất… nhưng tất cả đang kẹt về vốn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa "chạm" được các gói hỗ trợ của Chính phủ

Có thể thấy, dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đã tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu, vốn là thế mạnh của TP Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó, có một số gói cơ bản như: Gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỉ đồng về an sinh xã hội; 16.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Một bộ phận các chính sách đã phát huy tác dụng tốt, nhưng cũng còn bộ phận chính sách được thiết kế chưa thật sự bám sát thực tiễn của những khó khăn của doanh nghiệp.

Cụ thể, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp số lượng doanh nghiệp có thể “chạm” đến các chính sách hỗ trợ hiện nay còn quá nhiều hạn chế, mà nguyên nhân là ở những quy định. Chia sẻ thực tế của doanh nghiệp, ông Lý Văn Đáng, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Xây dựng Tấn Phát cho biết, các vướng mắc về thủ tục pháp lý là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận chính sách hỗ trợ trong thời gian qua.

Theo ông Đáng, nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách khá khó khăn, do thủ tục nhiều đã khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng. “Dù công ty tôi đã đóng thuế được 2 năm nay nhưng để vay được nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh đòi hỏi người lao động phải được đóng bảo hiểm. Nhưng do mới thành lập nên mọi hoạt động sản xuất còn nhiều khó khăn, dẫn đến công ty tôi chưa có nguồn vốn đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, hiện nay để được vay vốn các nhân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp (thường là bất động sản) và phải đảm bảo không có nợ xấu nên doanh nghiệp rất khó đáp ứng điều kiện để vay được vốn”, ông Đáng nói.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được các gói hỗ trợ tín dụng.  
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được các gói hỗ trợ tín dụng.  

Cũng không ngoại lệ, bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thanh Ngọc cho biết, hiện tại doanh nghiệp cũng chưa thể “chạm” đến những gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra, nguyên nhân theo bà Ánh là các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt, nên không phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Dịch COVID-19 đã khiến cho toàn bộ lĩnh vực dịch vụ của Công ty Thanh Ngọc phải hoạt động cầm chừng, không có thu nhập nên nhiều lao động phải nghỉ việc. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động, chúng tôi đã làm hồ sơ để được vay vốn lãi suất 0% theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, hiện chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác lại đang gặp vướng mắc do chưa có xác nhận quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 quy định tại Điều 40, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Không chỉ vậy, thời gian cho vay vốn hỗ trợ quá ngắn, chỉ trong mấy tháng, trong khi đó dịch còn kéo dài, sẽ khiến doanh nghiệp chưa thể ổn định. Chính vì những vướng mắc như trên nên hoạt động của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vẫn rất khó khăn”, bà Ánh cho biết.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ thời gian qua có ý nghĩa tích cực đến tâm lý, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng các gói hỗ trợ này đưa ra các tiêu chuẩn quá cao, nên không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, họ hạn chế về nhiều mặt so với các doanh nghiệp lớn, nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong muốn được vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh, nhưng không dễ tiếp cận do những ràng buộc về mặt thủ tục, các thỏa thuận, quy trình thẩm định cho vay giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Nhiều nhà băng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng vào hiệu quả từ phương án kinh doanh.

Điều này làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp. Chúng tôi mong muốn, các gói hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới đây cần linh hoạt hơn để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng đơn vị, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Cao Văn Dũng, đại diện một doanh nghiệp dịch vụ tại quận Tân Bình kiến nghị.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh kêu gọi 5.000 chữ ký cầu cứu Chính phủ

Đối mặt muôn vàn khó khăn do đại dịch, mới đây nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi 5.000 chữ ký vào lá thư kiến nghị trực tuyến với mong muốn được Chính phủ "cấp cứu" kịp thời.

Các doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ hỗ trợ ở 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến người lao động, thuế - chi phí, và tài chính - ngân hàng.

Cụ thể, đối với chính sách liên quan đến người lao động, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bằng cách cho tạm ngừng đóng Bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch. Không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng Bảo hiểm xã hội trong thời kỳ đại dịch.

Doanh nghiệp kiến nghị miễn giảm 100% phí Bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội cho đến hiện tại.

Với chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp mong muốn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế của 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Song song đó, các doanh nghiệp đề nghị được chấp nhận tất cả loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và "3 tại chỗ".

Riêng về vấn đề liên quan chính sách tài chính - ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Phạm Đức

Theo Doanh nghiệp Việt Nam