Mỗi tháng gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 8 tháng, có 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.2000 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020  
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020  
 

Trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký 43.400 người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021; giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.441 doanh nghiệp, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 31,1% và tăng 0,5%; 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 36,1% và giảm 26,7%; 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 43,7% và giảm 42,7%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1,133 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598.900 lao động; giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả gần 1,540 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 30.100 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2021 là gần 2,673 triệu tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 32.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114.000 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trước đó, vào thời điểm này năm ngoái, do dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7/2020 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8/2020 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%.

Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 88.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019 với vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Tăng trưởng GDP 6 tháng của Việt Nam đạt 5,64%, đây là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5% của năm 2021 trở nên vô cùng thách thức khi đợt dịch Covid-19 thứ tư vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng, có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế.

Mới đây, trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Việt Nam giảm còn 4,8%.

Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.

 

Minh Thái

Theo Đất Việt