Doanh nghiệp vẫn dè chừng trong phát triển nhà ở xã hội

Tiềm năng và dư địa phát triển của phân khúc nhà ở xã hội (NOXH) tại Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên, để hóa giải những rào cản trong phát triển phân khúc này, chuyên gia cho rằng cần có một “cuộc cách mạng” về phát triển nhà ở xã hội.

 

Doanh nghiệp vẫn dè chừng trong phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1
 

Theo thông tin mới đây, chỉ có 2 địa phương công bố danh mục dự án NOXH có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang công bố danh sách 12 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong đó có 2 dự án nhà ở xã hội thu nhập thấp và 10 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố có duy nhất một dự án là Nhà ở xã hội tại Khu dân cư Lan Anh 7 mở rộng (Lan Anh 7B), tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức có nhu cầu vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ (đợt 1).

Tiềm năng phát triển phân khúc NOXH

Chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009. Sau nhiều lần điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhà ở xã hội đã giúp nhiều người dân có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp... được cải thiện chỗ ở.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng hiện nay, phân khúc NOXH, nhà ở bình dân được dự báo sẽ tăng trưởng. Việc phát triển NOXH vừa để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đối tượng chính sách vừa là đòn bẩy kích thích dòng chảy kinh tế, hoạt động của hàng chục ngành nghề khác có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản.

Phát huy sự ưu việt của NOXH, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lập Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Đây sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội từng năm, từng giai đoạn; từ đó, quan tâm, dành đủ nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn tới; góp phần thúc đẩy, khơi thông thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trên cơ sở xác định nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương, Bộ Xây dựng đã đề xuất mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1,4 triệu căn hộ; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 550.000 căn, giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 850.000 căn.

Còn quá nhiều “rào cản” để phát triển NOXH?

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ dân số đô thị hiện chiếm khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030. Với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị. Hai thành phố lớn có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là Hà Nội và TP.HCM, sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm.

Doanh nghiệp vẫn dè chừng trong phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 2
 

Trên thực tế, nguồn cung NOXH đạt được còn một khoảng cách quá lớn so với kỳ vọng đặt ra. Tại buổi tọa đàm "Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội" ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trên cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội, quy mô 157.000 căn, tổng diện tích 8 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 418 dự án, trong đó, 100/418 dự án đã được cấp phép và triển khai xây dựng.

Theo ông Hưng, bên cạnh những kết quả đạt được thì không ít những rào cản, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội khiến nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Trong đó, việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo Luật Đầu tư còn chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, Luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội nhưng đây là quy định khá cứng nhắc.

Vướng mắc nữa là các thủ tục đầu tư làm nhà ở xã hội không khác gì nhà ở thương mại, thậm chí có bước còn nhiều thủ tục hơn và vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách xác minh đối tượng, điều kiện được thụ hưởng nhà ở xã hội. Theo quy định, Điều 49 Luật Nhà ở thì có 10 đối tượng, tuy nhiên lại không có quy định làm căn cứ để phân biệt điều kiện được thụ hưởng theo từng trường hợp là gì.

Ngoài ra, nguồn tài chính cho phát triển nhà ở xã hội cũng gặp khó. Từ năm 2016 - 2021, chúng ta mới bố trí được nguồn vốn tín dụng 3.163 tỷ đồng trên nhu cầu khoảng 9.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cấp cho vay đối tượng người mua. Còn doanh nghiệp thì chưa bố trí được, gần đây mới có gói 120.000 tỷ đồng.

Dưới góc độ là một doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho rằng, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhu cầu về nhà giá rẻ, nhà ở xã hội của người dân hiện nay rất lớn. Từ Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp đều thấy rõ điều này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không hứng thú phát triển nhà ở xã hội là vì còn tồn tại nhiều điểm nghẽn, bất cập trong câu chuyện thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách.

Ông Nghĩa cho hay, doanh nghiệp khi đã chấp nhận tham gia phát triển phân khúc này thì chỉ cần cơ chế. Nhà nước hãy tạo một cơ chế rõ ràng, đầy đủ mà ngắn gọn, không rườm rà, không phức tạp sẽ là trợ lực lớn nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, khi đang trong giai đoạn soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần tách ra một quy định riêng cho nhà ở xã hội hoặc ban hành một Nghị định riêng ngay bây giờ. Và quy trình để thực hiện dòng sản phẩm này phải đơn giản nhất, ngắn nhất, cùng với đó là quy trách nhiệm rõ ràng sở nào, ngành nào giải quyết hồ sơ, thủ tục pháp lý và giải quyết trong bao lâu.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển