Dòng tiền mới từ M&A sẽ chảy vào thị trường bất động sản trong 2 năm tới?

Trong khi thị trường bất động sản đang thiếu hụt nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ đầy khó khăn, thách thức thì một dòng vốn sẽ âm thầm chảy vào thị trường bất động sản qua hoạt động M&A. Dự kiến dòng vốn này sẽ đổ bộ trong giai đoạn 2024-2026.

M&A trước sóng tăng trưởng mới

Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A Việt Nam năm 2023 đã có sự chững lại. Trong một diễn đàn mới đây, ông Warrick Cleine, Chủ tịch, Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, thị trường M&A Việt Nam chỉ ghi nhận 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với đầu năm. Số lượng thương vụ cũng thấp hơn 2 năm trước.

Dù vậy, sau thời gian chững lại vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nhưng giới chuyên gia dự báo, 2 năm tới sẽ là giai đoạn sôi động của thị trường M&A Việt Nam.

M&A bất động sản sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.  
M&A bất động sản sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.  

Trong năm 2023, thị trường bất động sản còn tồn tại nhiều thách thức về pháp lý nhưng các nhà đầu tư chiến lược vẫn tích cực theo đuổi nhiều tài sản bất động sản chất lượng cao và pháp lý chặt chẽ. Thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực này là một nhà đầu tư nước ngoài quen thuộc với Việt Nam có trụ sở tại Singapore chi 450 triệu USD mua lại cổ phần chiến lược tại BW Industrial, một trong những nhà phát triển công nghiệp và hậu cần lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, trong năm 2023, Savills Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư muốn tham gia thị trường tiềm năng như Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở khan hiếm, bất kỳ nhà đầu tư nào đủ năng lực ra mắt dự án đều có thể khai thác nhu cầu cao của thị trường lúc này, đặc biệt là phân khúc khách hàng tầng lớp trung lưu đang gia tăng.

Ông Neil MacGregor nhận định, để đầu tư được vào Việt Nam, các nhà đầu tư phải vượt qua thách thức lớn mà chủ yếu đến từ thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc giải quyết các khoản phí sử dụng đất. Cùng với đó là pháp lý dự án để đảm bảo có một lộ trình rõ ràng đã được phê duyệt từ Chính phủ. Thêm vào đó, việc giải quyết phí sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 là những yếu tố quan trọng nhất đối với các dự án phát triển nhà ở.

Hiện tại, có ít dự án có quyền sở hữu hợp pháp rõ ràng và đủ các phê duyệt cần thiết để phát triển, ít nhiều dẫn đến những khó khăn đối với việc các nhà đầu tư tham gia thị trường. Điều này cũng đã gây ra tình trạng khan hiếm về tín dụng, khi các ngân hàng gặp khó khăn trong việc có được tài sản thế chấp cần thiết để cho vay các dự án bất động sản.

Trong khi những thay đổi trong khung pháp lý chưa được triển khai đầy đủ, các địa phương vẫn ngần ngại trong quá trình thực hiện, chưa có những tiến triển rõ rệt trong giải quyết vấn đề phí sử dụng đất và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, thì việc hoàn thành các giao dịch M&A vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Một ví dụ đáng chú ý là, đối với các sản phẩm condotel, chính quyền các địa phương vẫn do dự trong việc cấp chứng nhận cho các dự án, mặc dù có những giải thích rõ ràng trong khung pháp luật.

Xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực cho hoạt động M&A

Năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải trải qua áp lực kinh tế toàn cầu và các thách thức toàn cầu cũng như nội địa. Tình trạng lãi suất cao làm suy thoái nền kinh tế thế giới, gieo rắc những bất ổn cho các nhà đầu tư.

Trong khu vực, lượng giao dịch bất động sản đã giảm mạnh, để lại nguồn vốn đầu tư sẵn có đáng kể. Mặc dù lãi suất cao, triển vọng tăng trưởng và lợi suất tương đối cao của Việt Nam vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2023, Savills Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Diễn biến thị trường năm 2023 là bước đệm cho sự phát triển bùng nổ của hoạt động M&A trong thời gian tới.

Trong một công bố mới đây của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam đã dự báo, sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026.

Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản với một quyết tâm lớn nhằm "phá băng", phục hồi thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững.

Và mới đây, những tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư ngoại đang giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại. Được biết, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực; các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển...

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển