Dòng tiền từ “kiều hối” kỳ vọng khơi thông thị trường địa ốc

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy tình hình và làm sôi động thị trường bởi tỷ lệ không nhỏ lượng kiều hối chảy vào bất động sản.

 

Là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, kiều hối về TP.HCM hàng năm luôn chiếm 38 - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam, với mức tăng trung bình 3 - 7%/năm; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng kiều hối đạt 43,3% so với năm 2022.

Theo thống kê do NHNN Chi nhánh TP.HCM quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây (quý I/2023 kiều hối tăng 19,4%; năm 2022 tăng 14,2%), đồng thời nếu so với tổng lượng kiều hối chuyển về năm 2023 thì con số ghi nhận được trong 3 tháng đầu năm 2024 bằng 30,3%.

Dòng tiền từ “kiều hối” kỳ vọng khơi thông thị trường địa ốc - Ảnh 1

Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 - 20% kiều hối đổ về Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào bất động sản.

TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, ở TP.HCM hiện nay, hơn 50% kiều hối được sử dụng vào đầu tư bất động sản, trực tiếp hay qua người quen, còn lại là mục đích tiêu dùng, hỗ trợ người thân.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, ngành địa ốc Việt Nam đi sau khá nhiều so với các thị trường châu Á khác, chỉ mới phát triển trong vòng 20 năm trở lại đây và đang trong giai đoạn “vàng”, cần trân trọng mọi cơ hội để đẩy nhanh phát triển. Trong đó, kiều hối là một nguồn lực đặc biệt quan trọng và không hề thua kém khi so với lượng vốn FDI giải ngân.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, một số Việt kiều có nhu cầu chuyển tiền về để đầu tư vào bất động sản vì nhận thấy giá đang rẻ. Tiêu chí họ chọn mua đều là nhà đất có giấy tờ rõ ràng. Theo đó, trong thời gian tới, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa để đón đầu hiệu ứng chính sách, khi Luật Đất đai 2024 cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được nhận quyền sử dụng đất, được trực tiếp tham gia giao dịch bất động sản trong nước…, mà không cần phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch như trước đây.

Theo các nhà phân tích, việc nới lỏng quy định cho Việt kiều mua nhà, đất trong nước sẽ là động lực thu hút nhiều nhân tài quay trở về Việt Nam cống hiến. Khi đó, thị trường không chỉ đón nhận thêm dòng vốn mà còn hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp đất nước ngày càng phát triển.

Chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch cho rằng, không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ, mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của Nhà nước, đảm bảo an toàn để thu hút kiều hối.

Luật Đất đai năm 2024 có thay đổi căn bản khi xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là quốc tịch, không còn xác định theo nơi cư trú. Cụ thể, giữa cá nhân trong nước với người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quyền tiếp cận đất đai như nhau.

Như vậy, sắp tới, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam), Luật Đất đai sửa đổi giữ chính sách như pháp luật hiện hành.

Theo quy định mới, người Việt ở nước ngoài sẽ được thừa kế, thế chấp tất cả những nhà liền thổ, sản phẩm bất động sản. Việc mua bất động sản, họ vẫn sẽ mua trong dự án, nhưng việc giới hạn số lượng sản phẩm được nới lỏng hơn. Đây sẽ là điều kiện tích cực thu hút kiều hối vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống