Dòng tiền vẫn đang “trực chờ” để chảy vào bất động sản
Nhiều chuyên gia đánh giá, cuối năm 2023 này, một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
“Tiền nhàn rỗi” vẫn đang đứng ngoài thị trường
Theo số liệu được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 9, người dân gửi ròng thêm vào hệ thống hơn 15.900 tỷ đồng. Mức tăng theo tháng này cao hơn so với cùng kỳ 3 năm trước, nhưng thấp hơn trước dịch COVID-19.
Còn so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.
Tiền gửi của dân cư chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, sau cuộc đua nâng lãi suất lên cao của các nhà băng. Cuộc chạy đua giai đoạn này đẩy lãi suất huy động nhích dần từng ngày, có thời điểm vượt 10% một năm. Các khoản tiền gửi lãi suất cao, thường có kỳ hạn một năm trở lên, theo đó sẽ dần đáo hạn từ tháng 10 năm nay đến đầu năm 2024.
Với khối tổ chức gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế..., nhóm này có 6,23 triệu tỷ đồng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 9, tăng 4,65% so với hồi đầu năm.
Tính chung, tiền gửi của dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm. Tổng phương tiện thanh toán (gồm cả các khoản giấy tờ có giá) do các nhà băng nắm giữ đến hết tháng 9 đạt hơn 15 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,6% so với đầu năm.
Đáng nói, dù cả doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang đổ tiền vào gửi tiết kiệm thì lãi suất huy động vẫn đi xuống khá nhanh. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ mức 2,6-4,75%/năm, trong đó rất ít nhà băng áp dụng mức lãi trần huy động cho phép ở 4,75%/năm.
Ghi nhận thị trường về lãi suất huy động, trong khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hiện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có mức lãi suất thấp nhất. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,9%/năm. Kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 2,9%/năm.
Tại các ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất huy động có cao hơn, như kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm…
Với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3-5,7%/năm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Còn đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, điều này nói lên rằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn tương đối tốt với mức 5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều khó khăn.
Còn theo PGS.TS Phạm Thế Anh, tăng trưởng tín dụng thấp là lăng kính phản ánh quá trình hấp thụ vốn, phục hồi của nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm... Các ngân hàng trở nên thừa tiền trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ảm đạm, đơn hàng xuất khẩu, tiêu dùng chậm lại.
Trong khi đó, lãi suất huy động vẫn đang giảm mạnh. Lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cập nhật đến ngày 16/11/2023 chỉ còn 0,21%/năm, kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt là 0,33% và 0,52%, đều giảm mạnh so với đầu năm.
Dòng tiền sẽ quay trở lại với bất động sản?
Có thể thấy, một lượng lớn tiền gửi ngân hàng sẽ đáo hạn vào cuối năm nay nhưng liệu rằng số tiền này có chảy vào bất động sản hay không thì lại là một câu hỏi khó.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động với các khoản tiền gửi mới hiện xuống thấp kỷ lục, về dưới 6% một năm. Tuy nhiên, dòng tiền của người dân theo đánh giá của các lãnh đạo nhà băng và chuyên gia, sẽ chưa dịch chuyển ồ ạt sang các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán... sau loạt biến động vừa qua.
Còn nhớ trước đó, tại một sự kiện diễn ra hồi quý II, TS. Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng FERI từng thông tin năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng (lượng tiền gửi quý IV/2022 chiếm tỷ trọng 46%). Trong số gần 900.000 tỷ đồng lượng tiền gửi ròng cả năm ngoái, cá nhân đóng góp hơn 565.000 tỷ đồng (chiếm 65%).
Thời điểm đó, chuyên gia này đã nhận định cuối năm 2023 (lúc lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn) sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
“Hai kịch bản có thể xảy ra. Một là, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn.
Hai là, lãi suất huy động giảm xuống mức 6 - 7% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền rẻ này có thể quay trở lại thị trường. Khi dòng tiền quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm.
Trong bối cảnh này, nếu nhìn lại quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến thị trường bất động sản”, ông Khôi cho hay.
Ở một góc nhìn khác, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện tại dòng tiền nhàn rỗi trong dân, dù chưa nhiều, song đã bắt đầu rục rịch quay trở lại đầu tư vào bất động sản.
Lý do là bởi trước những thông tin tích cực hơn từ thị trường, lực cầu đã được cải thiện. Người mua có nhiều sự lựa chọn khi nguồn cung đa dạng hơn do được bổ sung các sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư, từ tài sản đảm bảo là bất động sản do Ngân hàng phát mãi... Chưa kể lãi suất cũng được điều chỉnh giảm rõ rệt tiệm cận về mức đầu năm 2022.
Đơn cử như với phân khúc đất nền, thông tin từ lực lượng môi giới là hội viên của VARS cho biết đã có nhiều hơn các nhà đầu tư tìm kiếm dòng sản phẩm này ở khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, có tốc độ đô thị hóa cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai.
Trong khi đó, với dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự trên 5 tỷ đồng, mức giá đã đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay thì hiện tại đã được nhà đầu tư chấp nhận xuống tiền, bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam (VIRES), nguồn vốn rất lớn nằm trong dân, do bất động sản vẫn được nhiều người coi là kênh đầu tư quen thuộc của người dân Việt Nam trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, giá vàng biến động mạnh thất thường, thị trường ngoại hối chưa phát triển và chứng khoán còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây được coi là nguồn tiềm năng nhất trong giai đoạn 2020-2030 nếu có được những chính sách thu hút./.