Dự báo quý IV, bất động sản khu công nghiệp sẽ đón thêm nguồn cung mới

Quý III/2023 thị trường bất động sản khu công nghiệp xuất hiện nhiều điểm sáng, thu hút dòng vốn FDI đổ vào thị trường qua nhiều thương vụ. Dự kiến, trong quý IV, nguồn cung mới sẽ được cung cấp ra thị trường từ các dự án được khởi công và đã ra mắt trong thời gian qua.

Nguồn lực đầu tư ngày càng lớn

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, lượng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp khá cao trong đó, ngành chế tạo tiếp tục dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022, thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tác động khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Trong đó, bất động sản công nghiệp khu vực phía Bắc có lực cầu cao từ lĩnh vực điện tử, đối với khu vực phía Nam là nhóm sản xuất ô tô, may mặc, bao bì.

Dự báo quý IV, bất động sản khu công nghiệp sẽ đón thêm nguồn cung mới - Ảnh 1

Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đã có sự mở rộng đầu tư của hàng loạt “ông lớn” như: Samsung, Intel, Foxconn, Pegatron, Goertek… với các dự án lên tới hàng tỷ USD đã dần đưa Việt Nam trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đầu năm 2023, hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai ở Việt Nam, như của Compal, Quanta Computer…

Theo khảo sát của một số tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản thì nhu cầu thuê và công suất cho thuê bất động sản công nghiệp trong quý III/2023 có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở khoảng 85% đến 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Tỷ lệ giao dịch về đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn 20% so với cả năm 2022.

Giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý III/2023 cơ bản ổn định so với quý II/2023 (Giá thuê đất công nghiệp trung bình tại các thị trường cấp 1 ở miền Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái). Thị trường ghi nhận các giao dịch lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản, với đa dạng các ngành công nghiệp như cơ khí, hóa chất, nhựa, cao su, điện tử.

Theo đó, thị trường sẽ đón nguồn cung ở một số dự án như: VSIP II quy mô 500ha tại Nghệ An; VSIP Cần Thơ quy mô 900ha; VSIP Bắc Ninh II quy mô 282ha, Khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250ha tại Bắc Ninh; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410ha tại Đồng Nai;…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý 3, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, bằng 55% so với cùng kỳ.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo đó, một số tổ chức đánh giá triển vọng FDI và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt.

Tích cực tăng lực hút

Giới chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả cho thị trường bất động sản, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ và các địa phương, cùng với nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, đến nay thị trường đang có những tín hiệu phục hồi đáng kể. Trong đó, bất động sản công nghiệp và nhà ở là 2 phân khúc đang ghi nhận nhiều tín hiệu quay lại của nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thị trường đã trởlên nhộn nhịp hơn với hoạt động mua bán sáp nhập dự án.

Để giúp thị trường bất động sản trong nước sôi động, hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển đầu tư quốc tế, cũng như “giữ chân” nguồn nhân lực trình độ cao đến làm việc. Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp gia tăng nguồn cung bất động sản, xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu nhà ở và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam ở những khu vực được cho phép. Đồng thời, đưa ra những quy định, tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài có thể mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội.  
Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội.  

Đồng quan điểm, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội đánh giá, xu hướng dịch chuyển đầu tư đã đem lại những thay đổi tích cực đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Lượng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu bất động sản công nghiệp bật tăng; bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp ngày càng mở rộng.

Giám đốc quốc gia JLL Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle) Paul Fisher cũng chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, trong đó một số nhà đầu tư đã bắt đầu “chốt” các giao dịch tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện tại, giới đầu tư đang xem xét các khoản đầu tư đa dạng trên khắp Đông Nam Á. Một số nhà đầu tư đang định vị địa điểm để đặt văn phòng làm việc và như vậy, nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam có thể được “chốt” cuối năm nay".

Để “đón” làn sóng dịch chuyển nguồn vốn FDI, các chủ đầu tư cũng đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý và tiến độ xây dựng nhiều khu công nghiệp.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển