Dự báo sẽ có sốt đất trong năm sau

Nhận định diễn biến thị trường đất nền những tháng cuối năm, ông Đinh Minh Tuấn Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, khó có thể xảy ra sốt đất ở các khu vực đất nền xung quanh TP HCM trong giai đoạn này.

Vị chuyên gia cho biết, thị trường đất nền được xem là thị trường đầu cơ và khá bị hạn chế về nguồn vốn tín dụng mới. Khi chưa có động lực đầu vào thì khó có khả năng xảy ra sốt đất trong quý IV.

Xét về dài hạn, bất động sản nói chung và đất nền nói riêng còn nhiều động lực tăng trưởng. Cụ thể, GDP và FDI tăng lên, kéo theo nhiều chuyên gia, người lao động tập trung ở khu vực các khu công nghiệp.

Theo đó, khi dân cư tăng lên cũng kéo theo sự tăng trưởng giá bất động sản. Nguồn cung tung ra ngoài thị trường khá thấp trong khi giá đã neo rất cao. Theo thống kê, có 66% số lượng người tìm mua nhà đất muốn tìm bất động sản có giá dưới hai tỷ đồng. Muốn tìm kiếm phân khúc này phải tìm ở khu vực đất nền vùng ven.

Về tiềm năng về phân khúc trên, ông Tuấn dự báo sẽ có sốt đất trong năm sau. Thường có sự tăng trưởng rất lớn tại thị trường đất nền vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Tháng 9 vừa rồi không có sốt đất như những năm trước. Hy vọng sang quý I và quý III năm 2023 thị trường sẽ có sự quay trở lại.

Đất nền vẫn tăng giá tại TP.HCM và vùng phụ cận

Trong bối cảnh hầu hết các thị trường ghi nhận sự sụt giảm vào quý III thì thị trường đất nền khu vực TP HCM đã tăng cả về mức độ quan tâm và giá bán. Theo báo cáo quý III của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đất nền tại TP HCM tăng ở hầu hết các quận, huyện. Trong đó, Hóc Môn tăng 11%, Thủ Đức tăng 9%, Quận 9 tăng 2%, Quận 12 tăng 6, Bình Chánh tăng 10%, Nhà Bè tăng 11%.

Nguồn cung và giá bán đất nền TP HCM và vùng phụ cận quý III/2022. (Nguồn: DKRA Việt Nam).
Nguồn cung và giá bán đất nền TP HCM và vùng phụ cận quý III/2022. (Nguồn: DKRA Việt Nam).

Giá đất nền tại nhiều khu vực TP HCM cũng tăng so với quý trước, trái ngược với xu hướng giảm giá đất nền tại Hà Nội. Đơn cử, tại Củ Chi giá rao bán tăng 15%, tại Hóc Môn tăng 11%, tại Thủ Đức tăng 3%, tại Bình Chánh tăng 6%, tại Nhà Bè tăng 17%. Giá đất tại một số tỉnh miền Nam như Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng nhẹ 1 - 5%.

Ông Tuấn nhận định, thị trường đất nền một số tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai và Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát tín dụng và hoạt động phân lô, bán nền trong quý III, khiến cho mức độ tìm kiếm sụt giảm mạnh. 

Khi các thị trường vệ tinh TP HCM sụt giảm, nhà đầu tư có thói quen quay về các khu vực có thể đáp ứng nhu cầu ở thực hay có "câu chuyện trong tương lai" tại thành phố. Các huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè với kế hoạch lên quận/thành phố hay các khu vực phát triển hạ tầng như TP Thủ Đức, Quận 12 đều có các "câu chuyện trong tương lai", tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Còn theo báo cáo của bộ phận R&D, DKRA Việt Nam, giá bán sơ cấp đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận ở mức 16 - 49,7 triệu đồng/m2 trong quý III, tăng đáng kể so với quý trước. Giá sơ cấp tăng do một số chi phí đầu vào tăng, bao gồm chi phí lãi vay và giá nguyên vật liệu. Việc chủ đầu tư áp dụng chính sách kích cầu thị trường cũng làm cho giá bán sơ cấp tăng. Trên thị trường thứ cấp, mặt bằng giá cũng tăng phổ biến 2 - 4% so với đầu quý II.

Tuy nhiên xét chung thị trường TP HCM và vùng phụ cận, sức cầu thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 52% - mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm. Thanh khoản thị trường cũng ở mức thấp, theo DKRA Việt Nam.

Trước đó, DKRA Việt Nam đã công bố báo cáo mới nhất về diễn biến thị trường bất động sản TP HCM và vùng phụ cận trong tháng 8 đầu năm. Theo đó, phân khúc đất nền đã ghi nhận lượng cung sản phẩm mới trong tháng đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Tại TP.HCM tiếp tục vắng bóng nguồn cung đất nền mới, các dự án chủ yếu là đất phân lô hộ lẻ, đã có sổ từng nền, quy mô nhỏ dưới 1 - 2 ha. Các sản phẩm trong khu vực chủ yếu tập trung ở địa bàn Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên, hầu hết các dự án mở bán với số lượng nền khiêm tốn. 

5 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo trong tháng, cung cấp 193 nền, trong đó có 64 nền được tiêu thụ, đạt tỷ lệ 34%. Bình Dương có 90 nền, tiêu thụ hai nền, giá bán sơ cấp dao động từ 16,8 - 23,5 triệu đồng/m2. Đồng Nai có 9 nền, không nền nào được tiêu thụ, giá bán sơ cấp dao động từ 21 - 21,5 triệu đồng/m2. Long An có 94 nền, tiêu thụ 62 nền, giá bán sơ cấp dao động từ 16 - 24,4 triệu đồng/m2.

Theo DKRA, sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục giảm so với các tháng trước (tháng 7 đạt 48% và tháng 6 đạt 54%).

 

Các chuyên gia cho rằng, tình hình tăng lãi suất, thắt chặt các khoản vay ngân hàng, giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu vẫn đang là một thách thức lớn với các doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, chi phí đầu vào tăng cao trong bối cảnh lạm phát khiến nhiều doanh địa ốc “lao đao”.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống