FDI được dự báo là kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm

Trong bối cảnh khó khăn thị trường bất động sản khi tín dụng ngân hàng bị kiểm soát, phát hành trái phiếu có xu hướng giảm, các chuyên gia dự báo, FDI sẽ là kênh dẫn vốn cứu cánh cho thị trường từ nay đến cuối năm.

Số liệu thống kê cho thấy, nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022, ở mức 14,07% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với mức 9,35% tăng trưởng chung và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cố gắng hạ nhiệt thị trường nhà đất bằng cách kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8, chỉ có hai doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 1.800 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm bất động sản phát hành 47.060 tỷ đồng trái phiếu (chiếm 21,3% tổng khối lượng phát hành), giảm mạnh so với cùng kỳ.

Thời kỳ cho vốn đầu tư ngoại

Các chuyên gia cho rằng, việc siết tín dụng ngân hàng giúp Nhà nước kiểm soát có cơ hội chọn lựa và ưu tiên những doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt ở các lĩnh vực khác nhau, tùy vào thời điểm và tình hình kinh tế. Ngoài ra, động thái này sẽ hạn chế việc vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng.

Nhiều chuyên gia nhận định, thời kỳ này sẽ là điều kiện tốt nhất để nguồn vốn FDI du nhập vào thị trường Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, BĐS là lĩnh vực xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Trong năm nay, khi tín dụng ngân hàng được kiểm soát, phát hành trái phiếu giảm đi thì FDI là kênh thay thế dẫn vốn cho thị trường. Lũy kế đến hết tháng 7/2022, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đạt gần 66 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn FDI đăng ký.

Nguồn: Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia
Nguồn: Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, thực tế, số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) tính đến ngày 20/8 đã giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong đó, riêng vốn FDI rót vào ngành kinh doanh bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Khi thị trường vốn tại Việt Nam đang gặp khó khăn vì nhiều yếu tố, ông Khương cho rằng, chính những yếu tố khó khăn đó đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cơ hội đầu tư tại quốc gia của họ ngày càng hạn chế, các khoản đầu tư cũng không có tính cạnh tranh cao như tại Việt Nam.

“Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng vốn FDI ở Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu độ thị với hơn 10 triệu dân như TP HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng”, ông Khương nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, việc huy động vốn cổ phiếu sẽ khó do thị trường chứng khoán suy giảm. Trong khi đó, huy động vốn trái phiếu giảm mạnh do các ngân hàng thương mại không tham gia. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 gấp 4 lần năm 2016. Năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020 (phát hành riêng lẻ chiếm 94,3%).

Đến năm 2022, Nhà nước đã chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Dự kiến số lượng phát hành sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, chỉ có nguồn vốn FDI là điểm sáng.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cũng dự báo, trong năm nay, khi tín dụng ngân hàng bị kiểm soát, phát hành trái phiếu giảm đi thì FDI là kênh cứu cánh cho thị trường bất động sản.

Ông Lực cho hay, khi các kênh dẫn vốn cho bất động sản trong nước đang gặp khó khăn thì đây lại là cơ hội cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Chính các quỹ cũng nhận định rằng, đây chính là cơ hội vàng để họ giải ngân vào bất động sản Việt Nam.

Cũng theo các chuyên gia, M&A sẽ là một giải pháp cho bài toán về vốn. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.

TS. Sử Ngọc Khương cho biết: “Ngoài ra, đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án”.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống