Giá đất Đông Anh “nhảy múa”, nhà đầu tư vẫn… lỗ nặng!
Theo ghi nhận, giá đất tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh cao nhất có vị trí lên tới 200-230 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực khác tại đây, giá đất cũng đã tăng đáng kể. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư ôm đất vẫn lỗ nặng!
Mới ra Tết lãi hơn 1 tỷ: Văn thư, nội trợ... kéo nhau buôn đất Đông Anh
Giá đất cao ngang… nhà trong phố
Cuối năm 2017, lô đất có vị trí ngay đầu con ngõ, sát mặt đường lớn cạnh cầu Nhật Tân – Nội Bài thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội được anh Nguyễn Xuân Hùng mua với giá 100 triệu/m2.
Theo anh Hùng chia sẻ: “Cách đây khoảng 5 năm, mức giá chỉ từ 45-50 triệu/m2, nhưng khi anh mua cách đây hơn một năm, mức giá đã tăng lên gấp đôi, là 100 triệu/m2. Giá đất ngoài mặt đường lớn sát cầu Nhật Tân này có vị trí lên tới 200-230 triệu đồng. Còn sâu trong ngõ thì mức giá tầm 40-50 triệu và đầu ngõ lớn thì tầm 100-130 triệu đồng/m2”.
Theo chi sẻ của một môi giới “bản địa” có tên là Ngoại, thì giá đất khu vực chân đầu cầu Nhật Tân trước khi xây cầu chỉ mười mấy triệu mỗi mét vuông. Tuy nhiện hiện nay giá đất trung bình khoảng 180-200 triệu/m2, có nơi thậm chí cao hơn.
Ông Ngoại cho rằng, việc tới đây có công viên Kim Quy và dự án thành phố thông minh, giá đất khu vực có thể tiếp tục tăng.
Theo đánh giá, mức giá đất nền tại một số vị trí thuộc địa phận huyện Đông Anh, mức giá đã cao tương đương với giá đất thổ cư nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội.
Nhà đầu tư ôm đất lỗ nặng!
Mặc dù giá đất tăng nhanh, nhưng theo đánh giá của môi giới Ngoại, giá đất tăng không phải ảo. Bởi theo môi giới này, từ đầu năm đến nay, có khá nhiều giao dịch thành công qua tay ông môi giới.
Tuy nhiên, một số trung tâm môi giới khác trên địa bàn lại cho rằng giá đất Đông Anh có tăng, nhưng giao dịch lại rất trầm lắng, thậm chí nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường thời gian qua phải chấp nhận thua lỗ.
Khu vực đường lớn sát cầu Nhật Tân, thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, mức giá cao nhất 200-230 triệu/m2.
Trước thông tin huyện Đông Anh sẽ lên quận vào năm 2020, đặc biệt, khi nhiều siêu dự án dự kiến xây dựng tại khu vực này như dự án Thành phố thông minh tại Hải Bối, Vĩnh Ngọc; dự án công viên Kim Quy tại Ngọc Chi, Vĩnh Ngọc; dự án Khu công nghệ thông tin tập trung, dự án Trung tâm triển lãm quốc gia… đi vào thực tế, nhiều người tin giá đất Đông Anh sẽ "nhảy múa".
Tuy nhiên, trong khi đa số các dự án vẫn chưa được triển khai, nên các nhà đầu tư nhanh chân “ôm đất” cũng chưa thực sự có lời.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, mức giá bất động sản “đón đầu quy hoạch” thường không đảm bảo tính chắc chắn. Người mua, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán.
Ông Đính cũng cho hay, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Tức là khi tạo ra cho một huyện nông thôn một danh xưng mới sang hơn, lớn hơn thì cũng phải trang bị cho nó các điều kiện cơ sở hạ tầng, phải đầu tư vật chất xứng tầm mới thúc đẩy được phát triển, mới giúp tạo ra các giá trị gia tăng.
Ông Đính lấy ví dụ tại Vân Đồn, chính vì chạy theo những tin đồn kiểu như lên đặc khu mà giá trị BĐS tại các địa phương này đã bị thổi lên, bị đẩy giá làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường.
Bởi vậy, ông Đính lưu ý, dù là huyện hay lên quận đều phải có cá tiêu chuẩn, tiêu chí rất rõ ràng, đi cùng với các yêu cầu về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới phát triển được.
Theo Linh Linh/ SHTT