Hà Nội: Căn hộ dịch vụ phục hồi mạnh mẽ
Theo báo cáo của Savills cho thấy, tính đến hết quý II/2022, Hà Nội có thêm một dự án căn hộ dịch vụ mới gia nhập thị trường, nâng tổng nguồn cung lên 5.719 căn, tăng 3% theo năm.
Theo Savills, khu vực nội thành vẫn được chủ đầu tư ưu ái nhờ lợi thế từ vị trí địa lý, phù hợp với đối tượng khách thuê muốn tìm nhà trong khu trung tâm và thuận tiện đi lại. Nguồn cung ở khu vực nội thành dẫn đầu, chiếm 60% tổng nguồn cung, theo sau lần lượt bởi khu vực phía Tây và trung tâm.
Căn hộ dịch vụ thường được đặt tại các khu vực tập trung cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI với hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp cùng các tiện ích y tế, giáo dục chất lượng.
Về chi phí, giá thuê trung bình tăng nhẹ ở mức 1% so với mức 547.000 đồng/m2/tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá thuê căn hộ dịch vụ tại quận Nam Từ Liêm dẫn đầu ở mức 640.000 VND/m2/tháng.
Tuy nhiên, giá cả tăng cao không gây ảnh hưởng lớn tới quyết định của khách hàng, được thể hiện rõ rệt qua công suất thuê trung bình đạt 75% trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức cải thiện đáng kể khi cuối năm 2021, công suất cho thuê trung bình chỉ dừng lại ở con số 69%.
Savills đánh giá, nguồn khách thuê đến từ ngoại quốc sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của phân khúc căn hộ dịch vụ. Điều này đến từ kết quả tích cực trong thu hút đầu tư FDI thời gian qua. Bên cạnh đó, sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng tại Hà Nội cũng là nhân tố mang lại triển vọng cho phân khúc căn hộ dịch vụ.
Trong giai đoạn 2021 đến 2025, thành phố dự kiến sẽ giải ngân khoảng 650.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, dành cho các dự án cơ sở hạ tầng. Một trong những dự án nổi bật là đường Vành đai 4 dự kiến sẽ kết nối 28 khu công nghiệp quanh thủ đô. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giảm áp lực cho đường Vành đai 3, rút ngắn thời gian di chuyển và tăng cường kết nối giữa các tỉnh và thành phố.
Khi nguồn khách thuê chính cho căn hộ dịch vụ là người nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp và nhà máy lân cận, thuận tiện di chuyển sẽ là điều kiện quan trọng để họ sử dụng dịch vụ nhà ở tại Hà Nội. Đường Vành đai 4, Vành đai 5 và các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác sẽ cải thiện kết nối giữa Hà Nội với các khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị mới, gần với các khu công nghiệp ở những tỉnh này.
Về nguồn cung, căn hộ dịch vụ sẽ được bổ sung hơn 3.000 căn trong tương lai. Khu vực Nội thành tiếp tục chiếm ưu thế trong tổng nguồn cung tương lai, với hai dự án tại quận Ba Đình dự kiến sẽ được ra mắt trong nửa cuối năm 2022.
Theo dữ liệu mới nhất từ Batdongsan.com.vn, 7 tháng đầu năm 2022 mức độ quan tâm BĐS Hà Nội gần như không có sự thay đổi, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi đó, lượng tin đăng tăng 11%. Điều này phần nào cho thấy các bên bán BĐS gồm chủ đầu tư, sàn giao dịch và chủ nhà đang ở giai đoạn chuẩn bị với những phương án truyền thông, quảng cáo nhằm đón đợi cơ hội thanh khoản.
Trong 7 tháng đầu năm nay, chung cư là loại hình BĐS duy nhất của Hà Nội có lượng quan tâm tăng. Các phân khúc căn hộ bình dân, trung cấp và cao cấp lần lượt tăng 3%, 9% và 2% về mức độ quan tâm so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá rao bán căn hộ Hà Nội cũng tăng từ 6% đến 13% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng này còn cao hơn so với tốc độ tăng giá của căn hộ chung cư ở TP.HCM (tăng từ 4% đến 8%).
Hầu hết các loại hình BĐS khác của thủ đô, từ đất đến đất nền dự án, nhà riêng, biệt thự liền kề đều ghi nhận lượt tìm mua giảm từ 5% đến 32% so với cùng kỳ năm trước.
Bàn về triển vọng các sản phẩm đất nền và nhà thổ cư Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: Hà Nội đang làm tốt về quy hoạch hạ tầng và đẩy mạnh các tuyến đường giao thông. Vì vậy, thành phố đã sẵn sàng đón các luồng đầu tư, trong đó có đầu tư BĐS.
Tuy nhiên giao dịch đất nền và thổ cư đang diễn biến khá chậm, nguồn cung còn hạn chế và chưa có dấu hiệu gia tăng rõ ràng trong thời gian tới. Thanh khoản của đất nền và nhà thổ cư phụ thuộc nhiều vào chính sách nới tín dụng của Nhà nước. Một khi “nút thắt” tín dụng được tháo gỡ, thị trường sẽ có cơ hội để chuyển đổi từ giai đoạn chờ đợi sang hành động.