Hà Nội sẽ có khu nhà ở xã hội quy mô trên 50ha
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án quy mô từ 50ha trở lên.
Thông tin này được Bộ Xây dựng chia sẻ trong văn bản trả lời cử tri TP. Hà Nội về việc tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng và thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện TP. Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64ha đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển quỹ nhà ở xã hội theo nguyên tắc: Cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn thành phố để hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc TP. Hà Nội chọn thí điểm một số công trình, dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của thành phố trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.
Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ số 63/TTr-BXD về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập (không phân biệt quy mô sử dụng đất) như quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở.
Bên cạnh đó, bổ sung khái niệm “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các nội dung hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, xác định ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Ngoài ra còn sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng: Cho phép dự án nhà ở xã hội loại hình chung cư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất để đảm bảo thống nhất với pháp luật về quy hoạch và tính khả thi; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư; Cho phép khấu trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương; Bổ sung quy định ưu đãi đối với trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực...
Bộ Xây dựng cho biết thêm, trong năm 2021 sẽ tích cực phối hợp với UBND TP. Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án nhà ở xã hội độc lập có quy mô lớn (từ 50ha trở lên) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định chi tiết Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2021.
(Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khi nhìn nhận về vấn đề tháo gỡ những nút thắt để phát triển nhà ở xã hội, đã chia sẻ: Mấu chốt thứ nhất là quỹ đất sạch. Từ trước đến nay, các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM hay các địa bàn cần ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đều hầu như không có quỹ đất sạch, nếu có thì chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. Trong khi muốn làm được nhà ở xã hội để phát triển lâu dài, chất lượng thì cần các quỹ đất từ hàng 5 - 10ha trở lên. Để đạt hiệu quả tốt nhất thì cần trên 100ha để có thể quy hoạch đồng bộ, xây dựng hạ tầng và tạo ra các dạng điển hình.
Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, còn phát triển nhỏ lẻ sẽ không bao giờ có được giá thành tốt. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu của từng khu vực, có những nơi nhu cầu chỉ dừng lại ở diện tích 5 - 10ha. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là cần có quỹ đất sạch và quy hoạch ở khu vực đó cần phải được đồng bộ, kết nối về hạ tầng. Nếu không có yếu tố này thì xây dựng ra cũng sẽ không có người đến ở.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, không thể để cho một cơ quan Nhà nước chỉ định, giao thẳng cho một doanh nghiệp quy hoạch để cho họ muốn vẽ gì thì vẽ. Họ không có kinh nghiệm với nhà ở xã hội, không có kinh nghiệm để phát triển những dự án tầm cỡ thì không thể làm được. Do đó, phải đấu thầu từ quy hoạch, thậm chí đấu thầu chủ đầu tư ngay từ đầu, chủ đầu tư sẽ thuê các đơn vị quy hoạch.
"Tóm lại, cần phải dành ra một quỹ đất đủ lớn, quy hoạch bài bản về hạ tầng, bàn giao đất sạch và công khai mời các nhà đầu tư và đấu giá để tăng sức cạnh tranh. Ai làm với giá thấp nhất và chất lượng cao nhất thì được lựa chọn. Doanh nghiệp có tâm, có tiềm lực họ hoàn toàn có thể làm tốt điều này", ông Thanh khẳng định.
Nhà ở xã hội đang thiếu trầm trọng
Bộ Xây dựng cho biết, đến nay đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha. Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2. Hiện tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu m2; còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy vậy, Bộ Xây dựng nhìn nhận, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2 nhà ở xã hội đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở.
Xét về số lượng, tính từ năm 2009 đến nay, cả nước có thêm khoảng 5.000 dự án nhà ở thương mại nhưng chỉ có 533 dự án dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội - chiếm khoảng 10%. Phần còn lại các dự án đều thực hiện phương án nộp tiền chuyển giao sử dụng quỹ đất 20% này để được "toàn quyền" khai thác thương mại trên dự án đã được cấp phép.