Hàng nghìn tỷ rót vào hạ tầng, thị trường bất động sản Cần Giuộc sẵn sàng đón sóng đầu tư
Với nhiều lợi thế về vị trí hạ tầng, Cần Giuộc (Long Anh) đang trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó thị trường bất động sản nơi này đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá trong thời gian tới.
Cần Giuộc từ lâu đã là điểm thu hút đầu tư vào hàng loạt các khu công nghiệp. Đây là địa phương giáp ranh TP Hồ Chí Minh duy nhất sở hữu cảng biển quốc tế. Điều này giúp Cần Giuộc không chỉ là cửa ngõ kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn là cửa ngõ giao thương ra quốc tế.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2021. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD tại huyện Cần Giuộc (chiếm tới 85,3% tổng vốn đầu tư của Long An).
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia đã đề xuất mở rộng địa giới TP Hồ Chí Minh về phía Nam, cụ thể là về hướng Cần Giuộc. Giải pháp này hoàn toàn khả thi với hình mẫu của Hà Nội hơn 10 năm trước đây.
Cụ thể, theo GS.KTS Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), địa giới thành phố cần mở rộng thêm ít nhất 600km2. “Hướng mở rộng có thể về tỉnh Long An – khu vực sẽ tạo điều kiện cho phía Nam thành phố phát triển tốt”, ông cho biết và đề xuất hai phương án mở rộng. Trong đó, phương án nào cũng bao gồm Cần Giuộc vì đây là đô thị vệ tinh giáp ranh TP Hồ Chí Minh, liền kề Nhà Bè qua các trục Nguyễn Văn Tạo, Lê Văn Lương,… Thực tế, tỷ lệ đô thị hóa ở những tiểu vùng đô thị như Cần Giuộc cũng rất cao, dự báo đến năm 2030 đạt 90% theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.
Ngoài lợi thế về vị trí và hạ tầng kết nối, Cần Giuộc còn được hưởng lợi từ việc quy hoạch khu siêu kinh tế, vừa được Ban quản lý Khu kinh tế Long An đề xuất. Dự án này nằm trong quy hoạch phát triển địa phương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trình các bộ ngành, Chính phủ xem xét.
Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc (chiếm gần 2/3 diện tích quy hoạch) và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông…
Nhằm đưa Cần Giuộc nhanh chóng phát triển, đáp ứng nhu cầu mở rộng, giao thông kết nối với TP Hồ Chí Minh đang được gấp rút triển khai. Mới đây, sở GTVT Long An phối hợp cùng sở GTVT TP Hồ Chí Minh thông tin trong năm 2021, 7 tuyến đường quan trọng kết nối Long An với TP Hồ Chí Minh sẽ được mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe với tổng kinh phí 24.400 tỷ đồng.
Trong đó, có 4 tuyến đường đi qua Cần Giuộc bao gồm Quốc lộ 50 đoạn Bình Chánh – Cần Giuộc; đường song hành Quốc lộ 50 đoạn Bình Chánh – Cần Giuộc; đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) – ĐT826C (Cần Giuộc); đường Long Hậu (Nhà Bè) – ĐT826E (Cần Giuộc) 5.100 tỷ đồng. Với trục đường Nguyễn Văn Tạo, cung đường này đã có quy hoạch lộ giới 60m và đang được giao cho Ban Quản lý khu Nam, UBND huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng và sớm triển khai trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, cùng với xu hướng di cư tất yếu về các đô thị vệ tinh, Cần Giuộc trở thành điểm đến thu hút nhiều siêu dự án bất động sản quy mô lớn nhất Long An. Đến nay, Cần Giuộc đã có hơn 26 dự án quy mô từ 10 – 420ha được triển khai như T&T Long Hậu (T&T Group) 277ha, Long Hậu Riverside (Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến Vàng) 20ha, Five Star Eco City (Tập đoàn Quốc Tế Năm Sao) 420ha,…
Một số tập đoàn lớn khác cũng đã dự trữ quỹ đất “khủng” sẵn sàng triển khai tại các đô thị vệ tinh giàu sức bật, điển hình phải kể đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát (1.500ha), Him Lam (32.300ha),…