Cổ phiếu ngành thép sẽ còn bứt phá?

Với việc Chính phủ có tăng cường thúc đẩy đầu tư công thì một số nhóm ngành có thể kỳ vọng sẽ có dư địa để tăng trưởng tương đối tốt, trong đó ngành dẫn dắt đầu tiên có thể nhìn thấy là nguyên vật liệu xây dựng như thép.

Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, cổ phiếu ngành thép tăng trưởng tích cực và hỗ trợ thị trường chứng khoán.  
Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, cổ phiếu ngành thép tăng trưởng tích cực và hỗ trợ thị trường chứng khoán.  

Nhìn về diễn biến giá cổ phiếu ngành thép, có thể thấy trong quý 1 và 2, giai đoạn thị trường có tăng trưởng tích cực và trong xã hội cũng như chưa xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp ngành thép đã có kết quả kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên, bất chấp triển vọng lợi nhuận kỷ lục trong quý 2, sang đầu quý 3 thì nhóm cổ phiếu này đã đi cùng xu hướng chung của thị trường sụt giảm mạnh.

Ví dụ với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, việc tỷ trọng xuất khẩu ngày càng lớn giúp HPG duy trì được đà tăng trưởng mặc dù bất lợi trong đợt dịch vừa qua. Trong quý 3, nhu cầu thép từ các thị trường xuất khẩu được kì vọng tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã đưa ra thông báo về việc cắt giảm sản lượng thép của trong nửa cuối năm, những điều này được Agriseco Research đánh giá sẽ mở ra triển vọng vô cùng tươi sáng cho HPG.

Hoạt động xuất khẩu thép thành phẩm các loại của Hòa Phát trong tháng vừa qua tăng trưởng mạnh. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng Hòa Phát kỷ lục 120.000 tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính là Úc, Canada, Hong Kong, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Lũy kế 9 tháng 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%.

Cổ phiếu ngành thép sẽ còn bứt phá? - Ảnh 1

Nhờ những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh, cổ phiếu HPG đã vượt mức đỉnh lịch sử đạt được hồi đầu tháng 6 ở vùng 55.400 đồng/cổ phiếu, chốt phiên 11/10 ở mức 57.200 đồng/cổ phiếu, tăng 173,35% trong 1 năm qua và tăng 53,21% trong 6 tháng qua.

Việc HPG đạt đỉnh lịch sử đã giúp Chủ tịch Trần Đình Long của HPG nâng giá trị cổ phiếu đang nắm giữ lên hơn 66.700 tỷ đồng,vốn hóa của HPG lên 249.142 tỷ đồng.

Chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng, động lực giúp cổ phiếu ngành thép dâng cao trong thời gian qua phải kể đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Thống kê sau 8 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 187.285 tỷ đồng, tương ứng đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 46,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Sau 7 tháng đầu năm ghi nhận khởi sắc từ giải ngân đầu tư công, đã có tín hiệu chững lại trong tháng 8, chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chuyên gia cho rằng, với việc Chính phủ có tăng cường thúc đẩy đầu tư công thì một số nhóm ngành có thể kỳ vọng sẽ có dư địa để tăng trưởng tương đối tốt, trong đó ngành dẫn dắt đầu tiên có thể nhìn thấy là nguyên vật liệu xây dựng như ngành thép.

Trước đó, cổ phiếu thép đã đứng trước áp lực bán gia tăng vào thời điểm quý 3, nhưng khi thị trường cho thấy dấu hiệu hồi phục cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đã giúp các cổ phiếu thép quay đầu tăng trở lại.

CTCK Mirae Asset cho rằng lợi nhuận ròng của toàn bộ ngành thép trong năm 2021 sẽ khả quan. Do vậy báo cáo của CTCK này tiếp tục duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng các cổ phiếu trong ngành. Hiện tại, định giá của các cổ phiếu ngành thép của Việt Nam đang giao dịch ở mức P/E 10.8x và EV/EBITDA 6.5x.

Với tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 18% trong năm 2021, báo cáo dự phóng PE và EV/EBITDA kỳ vọng năm 2021 đạt 8.9x và 5.3x. Theo đó, Mirae Asset đánh giá ngành thép Việt Nam trong nửa sau năm 2021 vẫn đang rất hấp dẫn, với mức định giá thấp hơn 20% so với khu vực.

Minh Đăng

Theo Doanh nghiệp Việt Nam