Khó để mua nhà với giá 15 triệu đồng/m2

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, khó có thể có nhà ở giá thấp nếu không có những giải pháp căn cơ.

“Việc mua nhà với giá 15 triệu đồng/m2 hiện nay là rất khó. Ngay từ vài năm trước, một số dự án cam kết bán với giá 20 triệu đồng/m2 đã khó. Bởi chi phí bỏ ra để đầu tư dự án ngày càng tăng lên, mặt khác, quá trình giải phóng mặt bằng chưa được đẩy nhanh, dẫn đến dự án chậm tiến độ, càng đẩy chi phí tăng cao, gây gánh nặng cho doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) đang chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng thiếu nguồn cung trầm trọng.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận từ các sàn giao dịch bất động sản, hầu hết dự án mở bán trong 9 tháng đầu năm đều có giá trên 30 triệu đồng/m2. Các dự án ở nội đô còn ở mức từ 45 triệu đồng/m2 đến hàng trăm triệu đồng/m2.

Tại TP.HCM, căn hộ giá rẻ dưới 1,5 tỷ đồng cũng cực kỳ khan hiếm. Hầu hết các dự án có mức giá thấp nhất cũng trên dưới 2 tỷ đồng cho dù nằm ở khu vực vùng ven.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng nhận định, thị trường hiện tập trung vào nhà cao cấp, do đó nhà dưới 20 triệu đồng/m2 vắng bóng trên thị trường đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Chính vì vậy, những người thu nhập thấp, công nhân vẫn khó tiếp cận nhà ở.

“Nguyên nhân là hiện nay có quy định rất rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp với nhà ở thu nhập thấp cho người dân. Tuy nhiên, nguồn vốn vay cho người thu nhập thấp còn khó khăn.

Ngoài ra, một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Do đó, các dự án khó triển khai. Các chủ đầu tư tại các khu đô thị muốn nộp tiền thay vì nộp 20% đất theo quy định của Nhà nước. Do đó, có 2 yếu tố quyết định đến nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ chính là: Vốn và đất nhưng đây lại là 2 vấn đề khó khăn”, ông Hà lý giải.

Khó để tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ nếu không có những giải pháp quyết liệt.  
Khó để tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ nếu không có những giải pháp quyết liệt.  
Mới đây, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có đề xuất cơ chế chính sách phát triển nhà ở thương mại giá rẻ phục vụ đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, vẫn cần có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở của mỗi địa phương. Phải kiểm tra, kiểm điểm thành công thì mới có thể thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội, giá rẻ.

Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, việc xây dựng nhà ở xã hội vẫn phải đòi hỏi hạ tầng cảnh quan thì mới bán được, nhưng vẫn phải đảm bảo giá rẻ. Đây là áp lực lớn với doanh nghiệp. Mặt khác, mặt bằng chung giá nhà đang tăng lên mà chưa hề có xu hướng giảm dù tác động của dịch bệnh. Do đó, rất khó để đưa ra mức giá 15 triệu đồng/m2, nếu không có những ưu đãi lớn cho doanh nghiệp.

“Chúng ta cũng hy vọng, phía cơ quan chức năng có những cơ chế thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đưa ra thị trường nhà ở có mức giá hợp lý nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, hạ tầng, tiện ích và cảnh quan theo quy hoạch”, ông Thịnh đánh giá.

Theo Bộ Xây dựng, ngoài việc cơ chế chính sách vẫn thiếu hấp dẫn, thủ tục còn nhiều bất cập, thiếu quỹ đất, nguyên nhân còn thiếu nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà. Theo kế hoạch là cần 9.000 tỷ đồng, đến nay mới thu xếp được 4.000 tỷ đồng.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách – tiền tệ Quốc gia cho hay, Ngân hàng thương mại, về bản chất, là 1 doanh nghiệp, kinh doanh phải có lời, vì điều đó gắn với tiền lương, việc làm, ổn định và bền vững về công việc cho công nhân viên; trong khi cho vay nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, biên lợi nhuận rất thấp, còn nhiều rủi ro do khâu giải phóng mặt bằng, chính sách còn thiếu nhất quán, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt.

“Nhà nước đã nhìn thấy vấn đề này, nên đã và đang có những nắn chỉnh. Thí dụ, Ngân hàng Nhà nước đã quy định các trọng số rủi ro khác nhau với từng phân khúc bất động sản khác nhau, qua đó, nắn dòng vốn tín dụng; cùng với một số chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ khác…v.v.

Nhưng tôi nghĩ chưa đủ, cần quyết liệt và nhất quán hơn. Về lâu dài, tôi mong có quỹ đầu tư/ tiết kiệm nhà ở chuyên nghiệp, quỹ tín thác đầu tư bất động sản…”, vị chuyên gia chia sẻ. 

Minh Minh

Theo Reatimes