Khó mua nhà 2 tỷ ở Hà Nội, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân

Thị trường bất động sản Hà Nội đang phải trải qua tình trạng sốt giá căn hộ chung cư, nhiều người đã phải từ bỏ ý định mua nhà hoặc chuyển sang hướng khác như tìm nhà trong ngõ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc này là tình trạng lệch pha cung – cầu, lệch pha phân khúc bất động sản khiến thị trường đã khó càng khó hơn.

 

 

Khó mua nhà 2 tỷ ở Hà Nội, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 1

Khó mua được nhà giá 2 tỷ đồng ở Hà Nội

Theo thống kê mới nhất của Savills Việt Nam, căn hộ chung cư Hà Nội ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2023 có giá 51-70 triệu đồng/m2, chiếm 63% nguồn cung mới, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Các căn hộ trong khoảng giá này chiếm 49% số lượng các căn bán được.

Các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 42% số lượng căn bán được trong năm 2023, tăng từ mức 3% trong năm 2019. Các căn hộ có giá từ 2 đến 4 tỷ đồng chiếm 55% thị phần.

Trong khi đó, chỉ 3% số căn hộ có giá bán dưới 2 tỷ đồng. Như vậy, cứ 100 căn hộ mới được bán tại Hà Nội trong năm 2023, chỉ có 3 căn giá dưới 2 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong vài năm qua, thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội vẫn ghi nhận thách thức từ việc hạn chế nguồn cung và sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu, đặc biệt là nhà ở bình dân.

Gần đây nhất, đơn vị này cũng công bố báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2024 với nguồn cung căn hộ đạt 4.062 căn, tăng 41% theo quý và 99% theo năm. Nguồn cung sơ cấp (bán lần đầu) đạt 12.928 căn, tăng 9% theo quý, giảm 34% theo năm.

Theo đó, tình trạng mất cân bằng cung - cầu của phân khúc căn hộ vẫn tồn tại. Thị trường tiếp tục ghi nhận sự thiếu hụt về sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2 (hạng C), chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và đã được bán hết.

Nguồn cung chủ yếu là căn hộ hạng B (phân khúc trung cấp) chiếm đến gần 90%. Trong khi sản phẩm hạng C trên thị trường sơ cấp và căn hộ hạng A (cao cấp) chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Mặc dù các đạo luật lớn đã được thông qua, nhưng nguồn cung mới vẫn chưa thể cải thiện ngay. Tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu tự nhiên hàng năm đối với nhà ở là khoảng 50.000 ngôi nhà.

Báo cáo cũng nêu, giá sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đạt 59 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và 14% theo năm. Hơn nữa, trong bối cảnh giá bán sơ cấp ở mức cao, thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) cũng ghi nhận lượng giao dịch tăng và giá nhỉnh hơn so với trước đó.

Trong thời gian trước, thị trường thứ cấp cũng có mặt bằng giá hợp lý hơn so với sơ cấp. Tuy nhiên đứng trước nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn, giá thứ cấp trong những tháng đầu năm đã đồng thời tăng.

Ghi nhận đầu năm nay, nhiều địa phương cũng đã công bố các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán.

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân

Lý giải thực trạng căn hộ chung cư tăng giá, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, nguyên nhân chính là thị trường thiếu nguồn cung.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, đây là kết quả của tình trạng nhập cư, ra ở riêng của nhiều người trưởng thành và số người trung bình trong một nhà giảm…  Nhóm này đã không được đáp ứng bởi hạn chế nguồn cung trong một thời gian khiến nhu cầu nhà ở bị dồn nén.

Thêm vào đó, các yếu tố như thị trường vàng biến động mạnh kèm lãi suất ở ngưỡng thấp khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư hợp lý, có tính dài hạn. Từ đó, vô hình trung khiến nhu cầu tìm kiếm căn hộ tại Hà Nội càng tăng cao.

Bên cạnh đó, tâm lý người mua đã có sự chuyển biến. Cụ thể, quan điểm căn hộ là “tiêu sản” hiện nay đã thay đổi. Người mua dần nhận thấy dòng sản phẩm phân khúc này tại các đô thị lớn cũng là một tài sản.

Hay nếu như trước, khi quyết định mua căn hộ, nhà đầu tư phải cân nhắc khá lâu bởi đây được xem là tài sản có giá trị lớn thì gần đây người mua nhà “chốt đơn” nhanh hơn. Quyết định mua và việc đặt cọc cũng diễn ra nhanh chóng.

Trước diễn biến giá căn hộ ngày càng leo thang, chuyên gia của Savills Hà Nội cho rằng, ở một số dự án đã được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế. Vì vậy, người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc giá trị sử dụng và mức độ hợp lý trước khi xuống tiền.

Nhìn nhận về thị trường, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, nhu cầu mua nhà của người dân đang rất cao, muốn bất động sản phát triển cần tháo gỡ cơ chế chính sách và nguồn lực.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành một loạt các cơ chế chính sách quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp và Quốc hội đã thông qua 3 luật nhưng chưa thể thực hiện được ngay, nên phần lớn các doanh nghiệp chưa tiếp cận được, để các chính sách đi vào cuộc sống cần tháo gỡ những vướng mắc nguồn vốn tín dụng, đấu thầu…

“Nếu khơi thông được bất động sản thì sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành như tài chính ngân hàng, sản xuất vật liệu và cả giao thông”, ông Điệp cho hay.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống