Khoác áo “long bào” cho chung cư khiến giá nhà nổi loạn?
TNNĐ- Bộ Xây dựng đang soạn thảo Thông tư quy định về việc phân hạng chung cư-một xu thế nhà ở phổ biến ở các đô thị hiện nay. Tuy mới chỉ là Dự thảo nhưng Thông tư này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Theo Dự thảo Thông tư, đối tượng phân hạng là nhà ở thương mại. Nhà chung cư được đánh giá và phân thành 3 hạng (A,B,C) theo 4 nhóm tiêu chí bao gồm, nhóm tiêu chí về quy hoạch và kiến trúc; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; mức độ và chất lượng hoàn thiện; chất lượng dịch vụ quản lý nhà chung cư.
Nhà hạng A là các chung cư cao cấp, tổng điểm từ 95 - 100 điểm và đảm bảo điểm số tối thiểu của cả 4 tiêu chí.
Nhà hạng B có tổng điểm từ 80 điểm trở lên. Hạng C là những tòa nhà thông thường, được xây dựng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Cơ quan chức năng sẽ dựa theo các tiêu chí như kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật... để gắn “sao” cho chung cư theo các thứ hạng A, B hoặc C.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho hay, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp tự khoác áo “long bào”, tự gắn mác cho dự án của mình là chung cư cao cấp.
Từ đó, doanh nghiệp, chủ đầu tư định giá bán "trên trời", áp mức phí quản lý cao ngất ngưởng không đúng với chất lượng thực của tòa nhà, dẫn đến nhiều kiện tụng, tranh chấp…
Chính vì vậy, theo ông Khởi, việc phân hạng sẽ giúp quản lý nhà chung cư chuyên nghiệp và xác định giá trị nhà ở rõ ràng hơn.
>>> Báo Anh: Đang là thời điểm tốt để mua bất động sản ở Việt Nam
“Khi nhà chung cư được phân hạng cao, giá trị của nó cũng cao hơn và ngược lại. Việc phân hạng cũng là làm cơ sở cho các bên thỏa thuận mức giá dịch vụ vận hành khu nhà ở", ông Khởi nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại lo ngại việc phân hạng chung cư sẽ khiến giá căn hộ trong thời gian tới biến động lớn.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) khẳng định dự thảo phân loại chung cư còn nhiều điểm chưa rõ ràng và mờ mịt. Chẳng hạn như quy định chung cư cao cấp căn hộ tối thiểu là 60m2 là thiếu thực tế.
Hiện nay, có nhiều khu phức hợp với nhiều tiện ích cùng nhiều loại diện tích căn hộ khác nhau. Trong đó, loại diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu cho người độc thân hay người mới lập gia đình.
"Dự thảo cần tập trung vào quy định thế nào là chung cư cao cấp? Tránh trường hợp chủ đầu tư nào cũng khoác mác cao cấp mà nâng giá bán", ông Châu nói.
Còn để xác định phí quản lý chung cư phải bằng một văn bản khác, văn bản này phân chia rõ làm ba nhóm.
Cụ thể: Nhóm thứ nhất là nhà ở xã hội có khung giá quản lý riêng bởi trong đó có chung cư cho thuê và bán trả góp; nhóm thứ hai là chung cư nhà ở tái định cư dạng trung bình cho người thu nhập thấp đô thị; nhóm thứ ba là chung cư nhà ở thương mại gồm hạng sang, khá, trung bình và loại cho người thu nhập thấp đô thị.
Trái ngược với các nhà đầu tư tỏ ra “sung sướng” vì có cơ hội “làm loạn”, nhiều doanh nghiệp lo lắng việc phân hạng sẽ đẻ thêm thủ tục, phiền hà, mất thời gian.
Thực tế, để hoàn thiện thủ tục cho một dự án, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều khâu, với rất nhiều thủ tục, giấy tờ và mất rất nhiều thời gian. Nhanh cũng mất 3 năm còn chậm có khi lên đến 5 – 7 năm mới có thể khởi công được dự án. Nay lại phát sinh thêm thủ tục xếp hạng nhà chung cư nữa, doanh nghiệp sẽ thêm gánh nặng.
“Chúng tôi không mong muốn thêm thủ tục hành chính từ đó phát sinh thêm cơ chế xin – cho, bôi trơn, chung chi để chung cư được xếp hạng cao trong khi thực tế chất lượng không được như vậy. Mong muốn của các doanh nghiệp là thủ tục càng đơn giản, minh bạch càng tốt”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn Bộ Xây Dựng công bố Dự thảo đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận. Tính cấp thiết và tác động của dự thảo đến thị trường đến nay vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Để chủ đầu tư và người dân có cách nhìn nhận rõ về Thông tư, ngày 20/4 tới đây, tại khách sạn Deawoo - Hà Nội, Kênh thông tin kinh tế - Tài chính CafeF phối hợp với Hiệp hội Bất động sản tổ chức “Diễn đàn giá trị thật bất động sản Việt Nam số 1 – Bước đột phá về tiêu chuẩn sống”.
Phần hội thảo, các chuyên gia bất động sản có uy tín, các nhà làm chính sách và những chủ đầu tư, đơn vị phân phối dự án dẫn đầu trên thị trường sẽ tham gia thảo luận về những điểm đáng chú ý cũng như tính cấp bách của Thông tư này.
Đặc biệt, các chuyên gia, nhà đầu tư sẽ đưa ra tiêu chuẩn phân loại nhà ở nhằm giúp người tiêu dùng định vị dòng sản phẩm phù hợp với túi tiền của mình và giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hướng tới khách hàng mục tiêu.
Theo Trí Thức Trẻ