Loạt dự án thi công ì ạch, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng
Nhiều tuyến Metro liên tục chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng là chủ đề ‘nóng’ khiến dư luận xôn xao về tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm.
Metro ‘đua nhau’ chậm tiến độ, đội vốn
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: “Chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông của Nhà nước là đúng đắn. Giao thông chính là trợ lực để nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, rất tiếc là trong quá trình đầu tư, một số dự án trọng điểm lại ì ạch, triển khai vô cùng chậm, không chỉ 1-2 năm mà kéo dài đến chục năm”.
Tình trạng các dự án giao thông chậm chạp, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng đang là dấu hỏi lớn mà cử tri rất quan tâm. Những vấn đề này có ảnh hưởng không chỉ riêng những người tham gia giao thông mà nó còn cản trở đến sự phát triển kinh tế của cả xã hội.
Về tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội, dự án thi công sau 12 năm vẫn ì ạch, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng và không thể về đích.
Cụ thể, dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được TP. Hà Nội (chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội – MRB) khởi công tháng 9/2010.
Tại thời điểm khởi công dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng, chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp. Sau nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư vào các năm 2016-2018, dự án có tổng mức đầu tư lên trên 30.000 tỷ đồng (tăng 63%).
Vào tháng 5/2022, Ban Quản lý dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội cho biết dự án phải lùi thời gian vận hành toàn tuyến đến năm 2029, tổng mức đầu tư được đề xuất tăng thêm 4.905 tỷ đồng.
Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng vốn đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Tuy vậy, phải sau 13 năm, dự án mới chính thức được đưa vào vận hành với 12 lần lỡ hẹn, đội vốn thêm 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD).
Tại TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên cũng được phê duyệt năm 2007 với tổng vốn 17.387 tỷ đồng, kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2018, nhưng theo thông tin mới đây, dự án sẽ phải đến năm 2024 mới có thể vận hành, khai thác và số vốn được điều chỉnh tăng lên mức 43.757 tỷ đồng.
Bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại?
Mới đây, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cũng đã đề cập đến việc các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, TP.HCM…
Bà Yên nhấn mạnh rằng, đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không giải quyết ngay thì “sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển”.
Trên thực tế, không chỉ các đại biểu Quốc hội mà người dân cũng rất quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông khi chính họ đang phải mòn mỏi chờ đợi hàng chục năm.
TS.Nguyễn Xuân Thủy – người đã có gần 40 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cho biết: “Tình trạng các dự án liên tục đội vốn, chậm tiến độ chủ yếu là do trách nhiệm của cơ quan chức năng được phân công xây dựng đề án. Khả năng nghiên cứu, xây dựng, dự toán rất kém. Đáng lý khi làm dự án, sai số chỉ được phép 10-20%, nhiều nhất 30-40%”.
Ông Thủy cũng nhấn mạnh về bài học từ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. “Cả xã hội lên án quá trình đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông nhưng không hề thấy ai bị xử lý. Và đương nhiên, nếu không có tính răn đe, thì những dự án sau này sẽ vẫn tiếp tục như vậy. Và thực tế cũng đã chứng minh được điều đó”, chuyên gia giao thông nói.
Liên quan đến các kỳ họp của Quốc hội, TS Nguyễn Xuân Thủy lưu ý rằng, đại biểu vẫn chưa nói hết được những vấn đề “nhức nhối” của giao thông. Bên cạnh đó, câu chuyện trách nhiệm tại các dự án yếu kém cũng chưa được đưa ra tại các kỳ chất vấn.
“Ngành giao thông có những đóng góp nhất định cho xã hội, tuy nhiên còn tồn tại rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Nếu chúng ta tiếp tục thờ ơ, giao thông ở Việt Nam sẽ mãi dậm chân và nền kinh tế cũng không thể đột phát được”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.