‘Dựa hơi’ tuyến Cát Linh – Hà Đông, bất động sản vệ tinh âm thầm tăng giá?

Đầu tháng 11/2021, tuyến Cát Linh-Hà Đông – tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước chính thức được đưa vào khai thác vận hành thương mại. Là một tuyến giao thông quan trọng của hạ tầng giao thông đô thị, sự kiện vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đang tác động như thế nào đến giá bất động sản khu vực?

Tuyến đường sắt đô thị số 2A hay còn gọi là tuyến Cát Linh – Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, được khởi công xây dựng vào năm 2011, có hướng đi Cát Linh – Hà Đông, với điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa. Tuyến metro này có 12 nhà ga thuộc ba quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông và khu Depot tại Phú Lương – quận Hà Đông với 13 đoàn tàu. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có vai trò cầu nối liên kết vùng để giải quyết áp lực giao thông, thúc đẩy quá trình thông thương giữa nhiều khu vực, thúc đẩy tiến trình phát triển của thủ đô. Nhờ hạ tầng được kết nối thuận lợi, giá trị bất động sản dọc tuyến đường sắt cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trên thực tế, nhiều dịch vụ ăn theo tuyến đường sắt đô thị đã đua nhau mọc lên, xuất hiện chủ yếu ở nhiều ga của tuyến đường sắt đô thị như các quán trà đá, các quán ăn, dịch vụ gửi xe… Giá bất động sản khu vực cũng không chậm chân trong cuộc đua ăn theo này. Ngay sau khi tuyến đường sắt được đưa vào vận hành, hàng loạt tin rao chào bán bất động sản trên các kênh thương mại điện tử, các hội nhóm trên mạng xã hội cũng đồng loạt rao bán bất động sản đi kèm thông tin là kề cận, gần đường sắt đô thị hay cách đường sắt đô thị bao xa.

Ăn theo tuyến Cát Linh – Hà Đông, bất động sản quanh khu vực quy hoạch đang tăng giá.  
Ăn theo tuyến Cát Linh – Hà Đông, bất động sản quanh khu vực quy hoạch đang tăng giá.  

Đến thời điểm hiện tại, ở khu vực điểm đầu ga Cát Linh, giá nhà mặt phố Cát Linh có xu hướng nhích nhẹ. Giá bán những căn mặt tiền kinh doanh được tăng từ mức giá 350-400 triệu đồng/m2 lên mức 380-430 triệu đồng/m2 so với tháng 8/2021. Cùng biên độ thời gian, những căn nhà mặt ngõ lớn có thể kinh doanh được, giá bán cũng đã tăng từ mức 120-130 triệu đồng/m2 lên mức 127-135 triệu đồng/m2. Các tuyến đường thuộc Cát Linh như Hào Nam, Vũ Thạnh… cũng được môi giới rao bán “ăn” theo tuyến đường sắt và giá rao bán cũng tăng so với trước đó vài tháng. Nhiều căn nhà phố Hào Na bị đẩy giá từ 220-230 triệu đồng/m2 lên mức 240-245 triệu đồng/m2 kể từ cuối tháng 10/2021. Nhà phố Vũ Thạnh gần tuyến đường sắt đô thị giá tăng từ 170 triệu đồng/m2 lên 200 triệu đồng/m2. Một căn nhà phố 5 tầng có diện tích 50m2 ở Giảng Võ cách tuyến đường sắt khoảng 800m, thời điểm tháng 9 vẫn chào bán 180 triệu đồng/m2 thế nhưng cùng với thời điểm tuyến đường sắt vận hành, môi giới ngay lập tức đẩy giá lên 200 triệu đồng/m2.

Tương tự, ở khu vực điểm ga thuộc Hà Đông, giá bất động sản thổ cư cũng nhích nhẹ trong khoảng 2 tháng qua. Nhà mặt phố thuộc phường La Khê gần điểm ga La Khê, giá tăng từ 150-160 triệu đồng/m2 lên mức 170-190 triệu đồng/m2. Khu vực gần ga Yên Nghĩa, giá nhà ở vị trí tương đương tăng từ 130-140 triệu dồng/m2 lên 137-150 triệu đồng/m2.

Nhiều dự án chung cư gần tuyến Metro đang được hưởng lợi khi tuyến đường sắt đô thị này đi vào vận hành, đặc biệt khu vực Hà Đông – nơi tập trung rất nhiều dự án cao tầng. Tuy nhiên, theo các môi giới, sự hưởng lợi này mới chỉ mang ý nghĩa về mặt giao thông, di chuyển, còn trên thực tế, giá các dự án căn hộ gần tuyến Metro đến thời điểm hiện tại gần như không có biến động về giá. Đơn cử, Phú Thịnh Green Park, giá bán vẫn dao động phổ biến 27-30 triệu đồng/m2, Hồ Gươm Plaza giá vẫn dao động 26-29 triệu đồng/m2, CT12 Văn Phú vẫn dao động 23-26 triệu đồng/m2…

Giá bán phân khúc chung cư quanh khu vực tuyến Cát Linh – Hà Đông có sự biến động tăng giá nhưng chưa mạnh.  
Giá bán phân khúc chung cư quanh khu vực tuyến Cát Linh – Hà Đông có sự biến động tăng giá nhưng chưa mạnh.  

Thực tế này khá trái ngược với TP Hồ Chí Minh khi tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (metro số 1) sau gần 10 năm kể từ thời điểm khởi công đến nay, mặc dù chưa đi vào hoạt động nhưng đã kích thích giá trị bất động sản khu vực này. Theo số liệu từ CBRE, giai đoạn 2012 – 2016 giá mở bán các dự án bất động sản tại những khu vực có tuyến Metro đi qua đã tăng từ 150 – 200% so với khu vực khác. Đến nay, những dự án hiện hữu nằm dọc theo tuyến cũng tăng từ 15 – 50% so với giá bán ban đầu.

Tuy nhiên, anh Hồ Hữu Thịnh, môi giới chung cư Hà Đông cho biết, còn quá sớm để nhận định những tác động của tuyến metro Cát Linh – Hà Đông lên giá bán căn hộ tại đây. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ là hơn 1 tháng kể từ khi đường sắt đô thị đi vào vận hành, theo anh Thịnh, những tác động lên giá trị căn hộ cần một thời gian nữa mới có thể đánh giá chính xác khi quá trình thông thương thúc đẩy kinh tế phát triển.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển